MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất ngờ với... chuông báo cháy

Bạn đọc Nga Vũ LDO | 04/06/2021 14:49

Câu chuyện về tiếng chuông báo cháy của cư dân N04B Lanmak Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) một lần nữa cho thấy, nhu cầu được sống trong môi trường chung cư an toàn về phòng cháy chữa cháy là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc.

Đang ngủ, bỗng nghe có tiếng người đập cửa ầm ĩ, tôi hốt hoảng dậy mở cửa thì thấy nhân viên mặc đồng phục của ban quản lý tòa nhà ập vào thông báo: “Phát hiện nguồn cháy từ căn hộ của chị”.

Nhân viên của toà nhà kiểm tra toàn bộ khu bếp, tất cả phòng ngủ, mọi ngóc ngách trong nhà nhưng không tìm ra nguồn cháy nên đành sang gọi cửa nhà hàng xóm.

Tôi vừa giận vì bị phá vỡ giấc ngủ lúc nửa đêm, vừa thông cảm cho những người phải làm vì trách nhiệm và sự an toàn của cư dân.

Chia sẻ với tôi về chuông báo cháy toà nhà N04BT2 Ngoại giao đoàn, một số cư dân cho biết, hiện chuông báo cháy chỉ nghe được ở khu vực hành lang chung, phòng bếp và phòng khách căn hộ. Riêng các phòng ngủ thì... chịu vì chuông rất nhỏ.

Một cư dân tầng 26 chia sẻ, dù đã phản ánh tới ban quản lý về việc chuông báo cháy kêu nhỏ nhưng cuối cùng nhận được phản hồi: "Chỉ to được thế”.

Tôi cứ nghĩ đã là chuông báo cháy thì phải kêu thật to để đảm bảo mọi người dù ở bất cứ đâu trong tòa nhà đều nghe thấy rõ. Từ đó, mới xử lý kịp thời khi xảy ra cháy.

Chuông báo cháy phải đảm bảo những người yếu chân, chậm tay, già cả hay trẻ nhỏ cũng phải nghe được. Khi xảy ra cháy, chậm vài chục giây cũng có thể đe doạ tới tính mạng con người.

Chúng tôi có nhu cầu được sống trong môi trường an toàn, phải có giải pháp chứ không thể trả lời “chỉ to được thế” rồi mặc kệ. Như vậy, quá coi thường tính mạng và tài sản của chúng tôi!

Chuông báo cháy mà chúng tôi tưởng trẻ con chơi đồ hàng. Tôi cũng không rõ tòa nhà có thiết bị thông báo di tản không vì chưa bao giờ nghe được.

Chuông báo cháy tại tầng 26 N04B Lanmak Ngoại giao đoàn. Ảnh: Nga Vũ

Tôi nghĩ, rất cần thiết phải có thiết bị kết nối với hệ thống báo cháy, tự động ghi sẵn các câu thông báo di tản khẩn cấp, không dùng hệ thống điện thông thường vì khi xảy ra cháy, chung cư sẽ bị ngắt điện.

Đồng thời, tòa nhà cũng phải cải thiện hệ thống loa phát thanh. Do không nghe được thông báo nên rất nhiều lần, nhà tôi phải leo thang bộ khi tạm ngừng thang máy. Chúng tôi thắc mắc tới ban quản lý rồi cũng chỉ nhận được câu trả lời: "Đã thông báo qua loa". Mà loa của toà nhà, như tôi phản ánh ở trên, tiếng rất nhỏ, không thể nghe được.

Loa phát thanh, chuông báo cháy, thiết bị thông báo di tản là những thứ rất cần thiết cho sự an toàn của cư dân sống ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, khi mua nhà, chúng tôi lại không để ý tòa nhà có đủ những thiết bị này không và nếu có cũng không biết hoạt động có tốt không. Chỉ khi vào ở rồi mới phát hiện những vấn đề đáng lo ngại.

Đại diện Ban quản trị toà nhà cho biết, đúng là có hiện tượng báo cháy giả thời gian qua. Ban quản trị đã ghi nhận phản ánh của cư dân, đang tìm hiểu và cũng đã có ý tưởng về việc đưa hệ thống loa vào từng căn hộ, việc này tới đây sẽ sớm xin ý kiến của cư dân toà nhà.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó Trưởng Công an Quận Bắc Từ Liêm - cho hay, đối với trường hợp Chung cư N04B, chuông báo cháy được lắp đặt chung với vị trí họng nước vách tường và nút ấn báo cháy.

Tiêu chuẩn có quy định với nút ấn báo cháy: + Hộp nút ấn báo cháy phải lắp trên lối thoát nạn, chiếu nghỉ cầu thang ở vị trí dễ thấy.

+ Khoảng cách giữa các hộp nút ấn báo cháy không quá 50m (trích điểm 5.3 Tiêu chuẩn).

Tại nhà N04B, khoảng cách giữa các hộp nút ấn báo cháy là đảm bảo (lắp tại hành lang thoát nạn và khoảng cách giữa các nút ấn khoảng 30m). Qua kiểm tra của Công an Quận và ban quản lý tòa nhà, chuông báo cháy các tầng vẫn hoạt động bình thường.

Về việc người trong phòng ngủ không nghe thấy chuông báo cháy có thể có các yếu tố chủ quan như: Ngủ quá say, trùm kín chăn, thính lực kém, bật nhạc hoặc âm thanh khác trong phòng khi ngủ, đóng kín cửa phòng ngủ, cửa căn hộ khi ngủ.

Về yếu tố khách quan, có thể do cư dân thay cửa có độ cách âm tốt hoặc màng loa khi bị ẩm sẽ bị trùng xuống dẫn đến âm thanh bị bé đi.

"Người dân không nên bật nhạc hoặc âm thanh khác trong khi ngủ, vừa để phát hiện chuông báo cháy, đồng thời cũng để phát hiện được các yếu tố nguy hiểm khác.

Hoàn toàn có thể gia tăng mật độ chuông tại khu vực công cộng hoặc cư dân cũng có thể lắp đặt thêm trong căn hộ của mình" - thượng tá Đỗ Anh Quyến nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn