MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất thường "ma trận" hệ sinh thái Công ty Hoàng Gia Yên Bái

Nhóm PV LDO | 29/07/2022 14:22

Yên Bái - Không chỉ chèn ép người lao động và bức hại môi trường, cách đăng ký hoạt động chồng chéo của nhóm chủ sở hữu Công ty Hoàng Gia Yên Bái cũng thể hiện nhiều bất thường.

Những nhân vật quyền lực

Báo Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh về Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái ở thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Cụ thể trong quá trình hoạt động, công ty liên tục bị tố đối xử tệ bạc với người lao động, xâm hại danh thắng quốc gia cùng nhiều hành vi phạm pháp luật khác. Tất cả đều khiến dư luận địa phương bức xúc song không hiểu vì sao suốt nhiều năm vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức?

Theo tìm hiểu của PV, đội ngũ lãnh đạo công ty Hoàng Gia Yên Bái gồm các ông: Ngô Quang Tùng - Giám đốc; 2 Phó Giám đốc là Hoàng Đình Trịnh, Nguyễn Trọng Sơn.

Ngoài ra như đề cập, ông Nguyễn Tất Thế (SN 1987) - dù không giữ vai trò gì trên giấy tờ tại Hoàng Gia, cũng là cái tên được nhiều công nhân nhắc tới.

Đặc biệt, một "chuyên gia nước ngoài" tên A Lưu, mới là nhân vật nhận được nhiều sự kiêng dè hơn cả. Giới công nhân trong nhà xưởng truyền tai nhau, nhóm "chuyên gia nước ngoài" mới chính là những ông chủ thực sự, trong đó A Lưu là người quyền lực nhất.

Từ trái qua là các ông: A Lưu, Nguyễn Trọng Sơn, Ngô Quang Tùng, Nguyễn Tất Thế. 

PV Báo Lao Động cũng ít nhất 2 lần trải qua cảm nhận này khi 2 lần xin việc tại 2 thời điểm khác nhau - đều phải qua sự kiểm soát, thống nhất của những người ngoại quốc.

Thế nhưng trong phần lớn những lùm xùm mà công ty này gây ra, người thường ra mặt giải quyết là ông Hoàng Đình Trịnh.

Cũng theo tìm hiểu của PV, trong khuôn viên Công ty Hoàng Gia Yên Bái hiện có tới 4 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Cùng với Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái (thành lập 2017, do ông Ngô Quang Tùng đại diện) và Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại 186 Yên Bái (thành lập 2019, do ông Nguyễn Trọng Sơn đại diện) thì còn có Công ty TNHH 168 Yên Bái (do ông Nguyễn Tất Thế đại diện) và Công ty TNHH ván ép Yên Bái (do ông Nguyễn Trọng Sơn đại điện).

Trong khi doanh thu của 2 "ông lớn" Hoàng Gia Yên Bái và Sản xuất & Thương mại 186 Yên Bái lên tới gần 900 tỉ đồng/năm 2021 thì 2 công ty còn lại chỉ vừa thành lập được vài tháng, thậm chí còn chưa được treo biển tên.  

Công ty TNHH sản xuất & thương mại 186 Yên Bái do Nguyễn Trọng Sơn đứng tên pháp luật nhưng hoạt động như 1 nhà xưởng trong khuôn viên Công ty Hoàng Gia Yên Bái.

Bên cạnh đó, dù là 2 pháp nhân độc lập nhưng Công ty TNHH sản xuất & thương mại 186 Yên Bái thực chất hoạt động như một nhà xưởng trong Công ty Hoàng Gia. Rất hiếm người, kể cả công nhân đang làm việc ngay tại Công ty 186, được biết đây vốn là doanh nghiệp độc lập.

Bản thân ông Vũ Ngọc Khánh - Trưởng thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng cũng không biết. Ông nói với PV: "Trên địa bàn thôn Hợp Nhất chỉ có 2 công ty đang hoạt động thôi, là Công ty đá Bảo Lai và Công ty Hoàng Gia Yên Bái, ngoài ra không còn công ty nào khác".

"Ma trận"

Tiếp đó, ông Ngô Quang Tùng (SN 1986) và ông Nguyễn Trọng Sơn (SN 1984) cũng chia nhau đứng tên Công ty TNHH Sơn Hà Hương và Công ty TNHH Hối Thành (chuyên về tài chính). Cả 2 doanh nghiệp cùng đăng kí địa chỉ tại thôn Trung Tâm, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.

Có mặt tại khu vực trên, PV ghi nhận một xưởng sản xuất ván gỗ đang hối hả làm việc, không hề có biển hiệu, bảng tên. Bên trong chỉ có những chiếc xe nâng, ống sắt cao nhả khói đen sì từ lò đốt. Bảo vệ tại phân xưởng cho biết, vị trí này cũng tên là Công ty 186.

Liên lạc với Chủ tịch UBND xã Bảo Ái Nguyễn Minh Tiến, ông này cho biết: "Chúng tôi vừa rà soát lại và phía doanh nghiệp cho biết, họ đã gộp 2 công ty vào một lấy tên là 186 và chuyển về khu vực Km 28, thuộc địa bàn thôn Tân Lập, xã Bảo Ái".

Khu vực mà 2 Công ty TNHH Hối Thành và TNHH Sơn Hà Hương đã gộp lại với nhau dưới cái tên chung chung 186.

Ngoài ra ông Nguyễn Trọng sơn cũng đăng ký đứng tên Công ty TNHH Lâm nghiệp 888 Yên Bái.

Tìm đến thôn Lương Thịnh, xã Tân Thịnh, TP.Yên Bái - nơi đặt địa chỉ công ty, PV chỉ nhận được những cái lắc đầu từ người dân nơi đây.

Nhiều người khẳng định, chưa từng nghe hay biết đến sự tồn tại của Công ty TNHH Lâm nghiệp 888 Yên Bái.

Sẽ xử lý nghiêm

Ngày 28.7, phản hồi tới Báo Lao Động, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết đã tiếp nhận và sẽ cho kiểm tra ngay các thông tin phản ánh.

Theo lời ông Tuấn, quan điểm của tỉnh là không bao che và kiên quyết xử nghiêm nếu phát hiện sai phạm.

Không hợp tác

Ông Phạm Duy Hiển - Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra (Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái) - cho biết, theo tinh thần các chỉ đạo mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như UBND tỉnh, từ nay đến năm 2025, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước có quy mô từ 25 công nhân trở lên đều phải thành lập Công đoàn cơ sở.

"Đối với Công ty Hoàng Gia Yên Bái, lãnh đạo Công đoàn đã nhiều lần tới vận động, kết nối nhưng họ luôn tìm lý do thoái thác. Thời gian tới, các cấp Công đoàn tỉnh, huyện sẽ tích cực tuyên truyền vận động doanh nghiệp này thành lập Công đoàn cơ sở, đảm bảo quyền lợi chính đáng người lao động" - ông Hiển nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hương - Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Bình - chia sẻ: "Chúng tôi có biết về tình trạng công nhân tại đây rất vất vả, thiệt thòi nên nhiều lần đến gửi văn bản, liên hệ vận động thành lập Công đoàn nhưng phía công ty liên tục khước từ, không gặp, không làm việc".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn