MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chủ homestay phải tốn khá nhiều chi phí để tối ưu hoá các căn phòng. Ảnh: Minh Hồng

Bất tiện khi chọn homestay ở ghép

MINH HỒNG LDO | 21/08/2023 06:30

Bên cạnh những tiện lợi như giá thuê rẻ, đầy đủ tiện nghi, homestay ở ghép cũng tồn tại nhiều bất cập khi nhiều người sinh hoạt chung trong một không gian, sử dụng cùng các loại dịch vụ.

Giá rẻ nhưng phức tạp

Thanh lý hết đồ đạc để trả trọ về quê vào thời điểm dịch COVID-19 ập tới, anh Dương Đức Duy (SN 1998, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng phải mất thời gian đi tìm nhà cho thuê với giá rẻ khi nhận thông báo trở lại trường học trên Hà Nội.

“Giá phòng trọ cho thuê khi ấy tăng vọt vì lượng người đổ xô lên Hà Nội học rất đông, tìm nhà trọ rất khó, đặc biệt ở vị trí trung tâm quận Cầu Giấy. Một vài nơi tôi tìm được thì các chủ trọ hét giá trên trời” - anh Duy chia sẻ.

Sau đó, anh Duy tìm đến kiểu phòng trọ homestay ở ghép tại phố Hoa Bằng (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá cho thuê 1,5 triệu đồng/tháng. Vấn đề cấp bách là chỗ ở đã được giải quyết nhanh chóng, các nhu cầu sinh hoạt cơ bản khác của anh cũng được đảm bảo đầy đủ.

So sánh với khoản tiền thuê trọ dao động ở mức từ 3-4 triệu đồng/mỗi tháng, phải tự túc toàn bộ đồ dùng, nội thất khi ở, anh Duy cảm thấy khá hài lòng với kiểu ở ghép này.

Chỉ dùng làm nơi để ngủ khi tan làm, anh Duy chọn kiểu homestay ở ghép. Ảnh: Minh Hồng

Tuy nhiên, anh cũng hiểu việc ở ghép sẽ tồn tại nhiều vấn đề khi phải chia sẻ không gian sống với những người lạ khác. Do đó, anh Duy cẩn thận khi bảo quản tài sản cá nhân của mình.

“Ở ghép cũng giống như ở tập thể nên bạn bè, gia đình tới thăm sẽ không thoải mái. Nhiều lúc tôi và mọi người cũng phải cân đo, đong đếm, bớt thời gian để luân phiên nhau sử dụng các tiện nghi trong nhà” - anh Duy tâm sự.

Chị Trần Thảo (SN 2002, Hải Phòng) từng có thời gian thuê trọ tại mô hình nhà trọ homestay cho biết, bên cạnh những lợi ích về tài chính hay không gian sống, cũng tồn tại nhiều bất tiện như việc bất đồng về lối sống, hạn chế về không gian riêng tư.

Do ở chung trong một phòng, dùng chung các khu sinh hoạt khác nên yêu cầu mọi người phải có ý thức chung, nếu không rất dễ xảy ra mâu thuẫn.

“Mô hình phòng trọ homestay cũng giống như kí túc xá ở trường đại học. Trong đó, bất tiện rõ thấy nhất là lúc ngủ dậy hoặc nấu ăn, mọi người phải đợi nhau để sử dụng phòng tắm hoặc phòng bếp, nếu không sắp xếp kịp thì buổi sáng có thể sẽ bị muộn học hoặc muộn làm để chờ đến lượt” - chị Thảo nói.

Người thuê chưa ổn định tài chính

Anh Nguyễn Quang Anh - chủ của hệ thống nhà trọ homestay với 10 cơ sở tại Hà Nội - cho hay, đối tượng người đi thuê thường có độ tuổi từ 18-25, chưa có gia đình và chưa ổn định tài chính. Homestay ở ghép được thiết kế từ các giường tầng, có rèm để đảm bảo riêng tư cho người thuê.

Với một phòng từ 4-8 người, giá thuê chỉ dao động trong khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng, rất phù hợp với sinh viên khi không có nhiều điều kiện kinh tế.

“Do giá thành rẻ, lại đầy đủ tiện nghi nên dịch vụ ở ghép này ngày càng có nhiều người có nhu cầu sử dụng. Đặc biệt trong khoảng thời gian đầu năm học mới, nhiều lúc hệ thống nhà trọ của tôi thường xuyên trong tình trạng hết phòng” - anh Quang Anh chia sẻ.

Một chủ hệ thống nhà trọ homestay khác tại đường Trần Quý Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, khi mở phòng cho khách thuê, anh phải đầu tư số tiền hơn 400 triệu đồng. Các chi phí bao gồm, thiết kế, sơn, sửa, lắp đặt bếp, máy giặt và điều hoà. Tuy nhiên, sau một thời gian cho thuê với giá 1,7 triệu đồng/tháng với 10 người/phòng, vị chủ trọ này chưa thể thu hồi vốn.

"Thông thường khách đến thuê là sinh viên hoặc những người chưa có nhiều kinh tế. Ngoài ra, còn có khách chỉ ở đây từ 2-3 tháng rổi chuyển đi. Khi họ sử dụng homestay, dịch vụ có tại homestay nhưng không gìn giữ. Sau khi họ trả phòng, chúng tôi lại phải sửa lại từ đầu rất tốn kém" - vị chủ homestay bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn