MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên hối hả đi thuê trọ đầu năm học. Ảnh: Thu Thảo.

"Bẫy” phòng trọ núp ở hội, nhóm trên mạng, tân sinh viên mất oan phí xem phòng

THU THẢO LDO | 01/09/2023 06:00

Thời gian này, khi sinh viên đổ về Thủ đô nhập học, nhu cầu tìm trọ tăng, giá các phòng trọ cũng tăng theo. Lợi dụng tâm lý cần phòng ở gấp của sinh viên, cò mồi sẵn sàng giăng bẫy lừa đảo đối tượng này.

Mất oan "phí xem phòng"

Đang thuê một căn phòng trọ có giá 3,2 triệu đồng/tháng, chị Lê Bảo Ngọc (sinh viên năm ba - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bất ngờ nhận được thông báo giá thuê tăng lên 3,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, các chi phí dịch vụ ở khu trọ này cũng tăng chóng mặt.

Không “gánh” được chi phí đó, nữ sinh hối hả tìm trọ ngay trước thềm năm học mới. Chị lặn lội khắp mọi ngóc ngách khu vực Quan Hoa, Dương Quảng Hàm... (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm nơi ở. Tuy nhiên, vì lượng sinh viên đổ về khu vực này khá đông nên hầu hết các phòng trọ mà chị ưng ý đều đã kín phòng.

Ngoài việc đi xem phòng trọ trực tiếp, chị Ngọc còn tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội. Theo tìm hiểu của chị Ngọc, giá phòng và chi phí dịch vụ đều tăng mạnh so với các năm.

Cụ thể, ở các quận nội thành như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, các phòng trọ 25m2 có giá từ 3,5-4 triệu đồng; chung cư mini có giá trên 5 triệu đồng. Không chỉ vậy, giá dịch vụ cũng tăng theo: Tiền điện 4.000 đồng/số, tiền nước 100.000 đồng/người, dịch vụ chung (máy giặt, thang máy, điện hành lang) 250.000 đồng - 300.000 đồng/người.

Đáng chú ý, khi đăng tải thông tin tìm phòng lên các hội nhóm, chị Ngọc nhận được rất nhiều bình luận giới thiệu phòng đang trống. Các bài đăng đều để lại hình ảnh phòng đẹp, tiện nghi, giá rẻ hơn so với mặt bằng chung.

“Tôi nhắn tin hỏi xem phòng nhưng các tài khoản đều giục phải chốt và đặt cọc nhanh vì có nhiều người hỏi. Tuy nhiên, để tránh bị lừa, tôi ưu tiên việc xem phòng trực tiếp và làm việc thông qua chủ nhà”, chị Ngọc cho biết.

Không may mắn như Ngọc, chị Nguyễn Thị Ngân (Đại học Thương mại) sập bẫy lừa đảo của các đối tượng cò mồi. Sau khi trúng tuyển đại học, vì lo ngại "cháy" phòng nên chị Ngân gấp rút tìm kiếm các thông tin trên các hội, nhóm mạng xã hội. Song, nữ sinh choáng ngợp bởi giá cho thuê.

Với phòng ở gần trường đại học của chị thì giá thuê khá đắt, các phòng rẻ hơn thì khó đáp ứng được nhu cầu dịch vụ và an ninh.

Mong có chỗ ở ngay khi đặt chân đến Hà Nội, chị Ngân chấp nhận bỏ ra 500.000 đồng để giữ suất xem phòng. Nữ sinh kể lại: “Tôi đã xem xét rất kỹ các tài khoản môi giới. Ảnh đại diện, ảnh bìa đều là ảnh gia đình; trang cá nhân vẫn đăng bài viết thường xuyên và có tương tác tốt. Khi tôi liên hệ, bên môi giới liệt kê địa chỉ và giá phòng. Tôi được phép xem các phòng trong danh sách họ gửi. Tuy nhiên, nếu không chốt phòng, tôi sẽ không được hoàn lại tiền”.

Sinh viên cần cẩn trọng với các bài chào mời lừa đảo thuê phòng, xem phòng trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình.

Với tâm lý nhẹ dạ cả tin sẽ chốt được phòng ưng ý trong danh sách, chị Ngân vỡ mộng khi đến xem phòng trực tiếp. Đa số, các phòng nữ sinh được đưa tới xem đều không giống trong ảnh: Phòng nhỏ bằng một nửa, đều ở những khu vực tối, khuất và không đầy đủ tiện nghi.

Xem đến phòng thứ 4, chị Ngân bất lực dừng lại và thắc mắc với bên môi giới. Tuy nhiên, chị chỉ nhận được câu trả lời qua loa rằng, họ chỉ là người được thuê dẫn đi xem. Khi liên hệ với chủ tài khoản Facebook giới thiệu phòng, chị Ngân không nhận được phản hồi. Lúc này, chị Ngân mới nhận ra mình bị lừa.

“Gia đình tôi cũng không khá giả nên 500.000 đồng là số tiền lớn. Với một tân sinh viên chân ướt chân ráo lên Hà Nội, đây thực sự là một cú sốc”, chị Ngân tâm sự.

Tỉnh táo trước bẫy lừa đảo

Để tránh khỏi các bẫy lừa đảo, chị Nguyễn Huê - chủ trọ của một dãy nhà trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội nhấn mạnh, sinh viên cần tỉnh táo trước mọi lời mời chào thuê nhà. Đối với các bài đăng trên mạng xã hội, các bạn sinh viên chỉ nên tham khảo.

“Sinh viên và phụ huynh không nên chuyển tiền khi không biết chắc chắn người cho thuê phòng là ai. Ngoài ra, sinh viên cần đến tận nơi xem xét môi trường sống và làm việc với chính chủ của tòa nhà”, chị Huê cho biết.

Sau khi chốt được căn phòng sẽ thuê, sinh viên cần xem xét kỹ lưỡng hợp đồng. Các điều khoản, quyền lợi và trách nhiệm để tránh các chi phí phát sinh không rõ ràng cũng cần được lưu ý cụ thể.

Bên cạnh đó, khi nhận phòng cần kiểm tra các trang thiết bị và vật dụng như: Ống nước, bóng đèn, điều hòa… để xác nhận tình trạng và yêu cầu thay thế nếu hỏng hóc; tránh trường hợp mất thêm chi phí phát sinh không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn