MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vật liệu xây dựng gồm đá dăm, cát đen, cát vàng... được tập kết thành từng đống lớn như những quả đồi tại hành lang đê Trà Lý đoạn qua TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Ảnh: T.D

Bến, bãi vật liệu xây dựng không phép “xẻ thịt” hành lang đê Trà Lý

TRUNG DU LDO | 11/06/2021 08:42

Nhiều năm qua, hành lang thoát lũ đê sông Trà Lý đoạn qua TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) bị nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đua nhau lấn chiếm, “xẻ thịt” làm bến, bãi trái phép để trung chuyển, kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng (VLXD)…

Thực trạng này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn làm ảnh hưởng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến. Đặc biệt, khi mùa mưa bão đang cận kề, nước sông Trà Lý lên cao bất thường đã réo lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ mất an toàn công trình đê điều trước mối nguy thiên tai, bão lũ.

Những đống vật liệu xây dựng chất cao như núi, cao hơn nhiều so với mặt đê Trà Lý. Ảnh: T.D

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) - cho biết: “Hiện nay, UBND thành phố đã, đang chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, giải toả các điểm sử dụng bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu, vật tư, hàng hoá ngoài bãi sông để đảm bảo an toàn công trình đê điều, phòng chống thiên tai kết hợp chỉnh trang, phát triển đo thị hai bên bờ sông Trà Lý phạm vi từ cầu Vũ Đông đến cầu Hoà Bình”.

Vật liệu xây dựng chủ yếu được tập kết tại các bến, bãi này chủ yếu là cát, đá. Ảnh: T.D

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị trên địa bàn TP.Thái Bình có đê Trà Lý chạy qua, hiện có 39 điểm sử dụng bến, bãi trên toàn tuyến. Trong đó, chỉ có 9 điểm có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 4 điểm đề xuất đưa vào quy hoạch sử dụng bến bãi giai đoạn 2021-2025, còn lại 26 điểm không có giấy phép hoạt động (hoặc giấy phép hết hiệu lực, không có hồ sơ, thủ tục sử dụng đất, thuê đất theo quy định).

Không chỉ phía ngoài đê, phía trong đê Trà Lý cũng bị cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm dụng để tập kết, xếp những chồng gạch cao hơn mặt đê gây mất mỹ quan và an toàn giao thông. Ảnh: T.D

“Để đảm bảo an toàn công trình đê điều, triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nhiệm vụ như đã đề cập ở trên, ngày 6.5 vừa qua UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu Công ty Điện lực thành phố chủ trì, phối hợp với UBND xã, phường có đê Trà Lý, các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra hồ sơ, thủ tục cấp điện, ngừng cung cấp điện đối với 26 tổ chức, cá nhân sử dụng bến bãi không phép.

Sang tuần tới chúng tôi tiếp tục chỉ đạo phòng, ban, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát tiến độ, kết quả thực hiện chỉ đạo này”, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.Thái Bình (tỉnh Thái Bình) thông tin.

Dưới đây là một số hình ảnh vi phạm đê điều, lấn chiếm hành lang thoát lũ đê sông Trà Lý được PV Báo Lao Động ghi lại tại TP.Thái Bình:

Doanh nghiệp đúc, ép cọc bê tông là Công ty CP 1285 ngang nhiên chiếm dụng hàng trăm m2 đất thuộc hành lang đê Trà Lý để tập kết cọc bê tông thành phẩm. Ảnh: T.D
Lái xe, công nhân Công ty CP 1285 đến cầu cọc bê tông vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Ảnh: T.D
Công ty TNHH Xây dựng Tú Hằng không có giấy phép kinh doanh bến bãi vẫn trưng dụng hàng trăm m2 đất hành lang đê Trà Lý để buôn bán, kinh doanh vật liệu xây dựng. Ảnh: T.D
Xe tải, máy cẩu phục vụ vận chuyển, bốc xếp vật liệu xây dựng ngày đêm hoạt động tấp nập khiến hành lang đê Trà Lý phải oằn mình gánh đỡ. Ảnh: T.D
Xe tải, máy xúc đang đỗ tại bến, bãi của Công ty Trung Tín đợi chất vật liệu xây dựng để vận chuyển đi. Ảnh: T.D
Ngoài bến, bãi vật liệu xây dựng không phép, hàng ngàn m2 đất thuộc hành lang thoát lũ đê Trà Lý trên địa phận phường Lê Hồng Phong, TP.Thái Bình còn bị các hộ kinh doanh trưng dụng làm quán ăn, nhà hàng, quán café, phim trường... Ảnh: T.D
Tổ hợp nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện, phim trường... Sông Trà TXT. Ảnh: T.D
Quán café Cây Táo. Ảnh: T.D
Nhà hàng Thuỷ Cung. Ảnh: T.D

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn