MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bên trong lớp học đặc biệt của người thầy viết chữ bằng miệng

Hoàng Đông - Sơn Tùng LDO | 29/12/2017 12:53

Mặc dù khuyết tật nhưng thầy giáo Phùng Văn Trường hàng ngày vẫn cần mẫn gieo chữ cho các em nhỏ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.  

Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng càng lớn, tay chân anh Trường càng yếu, đi không vững, phải vịn tường mới có thể đứng được. Ngày nhỏ, vì muốn con biết mặt chữ, biết tính toán, bố cho anh đi học. Nếu không cầm bút được thì ông kẹp bàn tay anh lại tập viết.
Năm lớp 8, chân yếu rồi liệt hẳn, anh phải nghỉ ở nhà. Từ đó, cuộc đời anh gắn liền với chiếc xe lăn.
Khi trưởng thành, không muốn bản thân mình là gánh nặng cho gia đình, anh xin bố mẹ ra ở riêng. Tại căn nhà nhỏ của mình, anh mở quầy hàng để tự nuôi sống bản thân. Thấy người ta mua chịu hàng mà mình không ghi chép được, anh trăn trở. Muốn viết được, anh chỉ còn cách dùng miệng. Nghĩ là làm, anh cắn bút tập viết. Mới đầu chưa quen, cán bút chọc vào họng liên tục khiến anh buồn nôn. Khó khăn là thế mà chữ vẫn không ra hình thù gì, có lúc anh quẳng cả bút giấy đi, không tập viết nữa.
Nhưng rồi, ông trời cũng không phụ lòng người, ròng rã kiên trì tập luyện, hơn một tháng sau, anh bắt đầu viết được, dần dần anh có thể làm chủ được cây bút và viết được chữ từ miệng. Ngày ngày rèn luyện, nét chữ của anh đẹp lên rất nhiều.
Thấy các cháu trong họ hàng học yếu, anh bảo gia đình đưa đến anh rèn chữ, luyện toán giúp. Dần dần, gia đình các thôn xung quanh cũng đưa con đến nhờ anh giúp. Phần lớn các cháu đều là học sinh yếu kém, lại học ở các khối lớp khác nhau nên mỗi trường hợp anh phải dạy riêng để làm sao cho trò dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.
“Các cháu tiếp thu chậm không có nghĩa là không tiếp thu được, dạy một lần không nhớ thì tôi dạy lại nhiều lần, bao giờ các cháu nhớ được thì thôi. Như thế, sau này các cháu không học cao lên được thì cũng biết tính toán, rành mặt chữ mà làm ăn" - "thầy giáo" Phùng Văn Trường chia sẻ
Ngày ngày, lớp học đặc biệt của anh luôn rộn tiếng trẻ ê a đánh vần, tính toán cộng trừ nhân chia. Với anh, đó là niềm hạnh phúc của một người tàn nhưng không phế, mang chút công sức đóng góp cho đời.
"Tôi chưa bao giờ tự nhận mình là thầy giáo cả. Vì người ta học cao, đỗ đạt mới gọi là thầy giáo, còn tôi học chưa hết lớp 8, kiến thức cũng cơ bản thôi. Như nhà Phật nói, các cháu đến với tôi là do chữ "duyên". Tôi chỉ là người đi trước truyền lại những gì mình biết cho người đi sau thôi, giúp được các cháu là tôi thấy vui lắm rồi".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn