MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bảng tin giả về virus COVID-19 vào những ngày đầu dịch bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.

“Bệnh dịch thông tin” COVID-19 không từ một ai…

Thế Lâm LDO | 03/03/2020 15:40

Thông tin về dịch virus COVID-19 đang trắng đen lẫn lộn và khó kiểm soát trên Internet. Không ít những thông tin sai lệch, đang “dẫn lối” và gây hoang mang dư luận.

Tổ chức Y tế Thế giới đã dùng khái niệm “dịch bệnh thông tin” (infodemic) để chỉ tình trạng này. Trong đó, vấn nạn lớn nhất và nguy hiểm nhất chính là những thông tin về dịch COVID-19 được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội thiếu kiểm chứng về nguồn gốc, chưa xác thực được tính chính xác… nhưng lại có sức lan tỏa nhanh và mạnh trong cộng đồng.

Dưới góc nhìn của một Facebooker nổi tiếng, anh Bảo Suzu cho rằng: “Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, một mặt nó tạo điều kiện cho người ta bày to quan điểm, chính kiến; nhưng mặt khác đối với những người thiếu kĩ năng, kiến thức khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội rất dễ đi đến sai lầm”.

Những sai lầm của người sử dụng mạng xã hội trước hết ở góc độ chia sẻ, lan truyền thông tin như đã nói là thiếu nguồn để kiểm chứng, đối chiếu, hoặc chủ quan cứ nghĩ trang cá nhân của mình thì muốn đăng tải cái gì cũng được. “Nếu không kiểm chứng được thông tin một cách chắc chắn mà share những thông tin không chính xác chẳng khác nào tiếp tay cho tin giả, và không khéo bất cứ ai cũng có thể trở thành bác sĩ online…”, theo anh Bảo Suzu.

Ở góc độ người chơi Facebook đọc thông tin trên mạng xã hội, theo Facebooker Bảo Suzu trước hết cần tỉnh táo đồng thời cũng cần có kiến thức để thẩm định giúp phát hiện ra những chi tiết bất hợp lí.

Theo thống kê sơ bộ, thời gian qua tại Việt Nam đã có trên 20 trường hợp thông tin về dịch COVID-19 không chính xác trên mạng xã hội đã bị các cơ quan chức năng triệu tập và xử lí.

Tuy nhiên theo nhà báo kì cựu về công nghệ Phạm Hồng Phước, từ góc độ người đọc thông tin trên mạng Internet nói chung và trên mạng xã hội nói riêng, cần phải cẩn trọng với các thông tin đưa lên mạng chỉ qua hình chụp hoặc những đường link lạ, những tên miền ít “số má”.

Ngược lại, theo nhà báo Phạm Hồng Phước, nếu cần tham khảo thông tin nên tìm các nguồn chính thống như từ WHO, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, Bộ Y tế Việt Nam; hoặc những tờ báo uy tín, các viện nghiên cứu nổi tiếng… khi cung cấp số liệu đều có trích dẫn nguồn tin rất rõ ràng cho dù là đưa lên fanpage của họ.

Và một điểm đặc biệt lưu ý nữa, nếu đọc thông tin trên Internet của các hãng truyền thông, nên tìm đúng tên miền chính thức, và nếu cần thiết cũng nên kiểm chứng chéo thông tin. Vì trong hiện trạng tin giả hiện nay, theo nhà báo Phước, có rất nhiều tên miền nhái, lợi dụng để câu views hoặc lợi dụng với mục đích riêng.

“Nếu tiếp nhận một cách thiếu tỉnh táo sẽ rất dễ hoang mang tâm lí và lan truyền gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và thậm chí vi phạm pháp luật”, nhà báo Phạm Hồng Phước cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn