MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: BHXH Việt Nam.

Bệnh nhân bị ung thư đau đầu vì giấy chuyển viện

Lê Hoa LDO | 22/11/2023 15:33

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, có ý kiến của Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm hủy bỏ thủ tục giấy chuyển viện để thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là vấn đề được nhiều người rất quan tâm.

Nhiều người cho rằng giấy chuyển viện là thủ tục hành chính rất nhiêu khê và phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh của người dân. Bệnh nhân muốn chuyển tuyến phải được bác sĩ đồng ý. Có giấy chuyển viện thì được thanh toán bằng bảo hiểm y tế, nếu không bệnh nhân sẽ phải tự trả một phần viện phí.

Anh Nguyễn T.K trú tại quận Long Biên, Hà Nội. Tháng 9.2022, anh K đi khám và phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn 4. Quá lo lắng vì bị bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối, anh K có nguyện vọng được điều trị tại một bệnh viện có chuyên môn sâu của các bác sĩ đầu ngành về căn bệnh anh được chẩn đoán. Nhưng theo đúng tuyến, bảo hiểm y tế của anh là ở một bệnh viện khác. Anh K có xin chuyển tuyến nhưng không được đồng ý.

Anh K đành chấp nhận vượt tuyến để được điều trị theo nguyện vọng. Anh K chia sẻ: “Tôi điều trị đợt đầu ở bệnh viện hết hơn 200 triệu đồng, trong khi bảo hiểm y tế chỉ thanh toán khoảng 24 triệu đồng. Phần còn lại là gia đình tôi phải tự trả chi phí điều trị”.

Anh K bày tỏ mong muốn Bộ Y tế điều chỉnh quy định phù hợp hơn, đặc biệt là những người mắc bệnh ung thư.

Không chỉ riêng anh K, không ít trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở các tuyến dưới cảm thấy không an tâm và muốn được chuyển lên tuyến trung ương nhưng bị bệnh viện gây khó dễ. Một số trường hợp khác muốn chuyển có khi phải qua “cò”, hoặc nhờ vả các mối quan hệ với bác sĩ mới được chuyển. Nhiều trường hợp vừa phải lo lắng về sức khỏe, vừa phải lo về kinh tế, lại phải chạy đi chạy lại, chờ đợi, thậm chí mất tiền mới xin được giấy chuyển viện.

Chia sẻ về câu chuyện giấy chuyển viện, anh Nguyễn Đ.T - người nhà của một bệnh nhân, trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang - cho rằng, nhiều khi giấy chuyển viện chỉ mang tính hình thức, gây phiền toái và rắc rối cho người bệnh nhưng vẫn phải làm.

“Người thân bị ung thư vòm họng, điều trị từ năm 2019. Thỉnh thoảng bác muốn đi kiểm tra cho yên tâm cũng đành chấp nhận khám dịch vụ để đi thẳng ra bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương” - anh T bày tỏ.

Anh T nêu lên mong muốn những thay đổi tích cực về những thủ tục hành chính trong thời gian tới để người bệnh bớt đi những phiền lo, giảm gánh nặng về kinh phí điều trị khi chuyển tuyến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn