MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng rong bán trong Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu: Hàng rong “cát cứ”, đe dọa cả bác sĩ

NHẬT HỒ LDO | 17/06/2020 17:29

Không phải đợi đến khi xảy ra vụ người bán hàng rong vào khu điều trị bán hàng cho bệnh nhân COVID-19 mà lâu nay tình trạng này đã diễn biến hết sức phức tạp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ban Giám đốc bệnh viện có nhiều giải pháp nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Hàng rong vào bệnh viện “cát cứ”

Tại khoa Nội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, những người bán nước uống, vật dụng cá nhân, thẻ cào điện thoại di động… “cát cứ” suốt, dù có lực lượng bảo vệ trực ở đây. Họ để hàng hóa dưới gầm cầu thang, lan can và lâu lâu lại xách đi, vào tận buồng bệnh rao bán.

Bác sĩ Trần Quốc Sử - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết, ông từng bị những người bán hàng rong hăm dọa, một số nhân viên bảo vệ còn bị họ chửi, tấn công. Sau khi bị nhân viên bảo vệ ngăn không cho mua bán, họ cùng người thân, đa phần là nữ, kéo vào bệnh viện có lời lẽ xúc phạm, ném ly nước và dọa chém nhân viên bảo vệ.

Hàng rong bán trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Theo các cơ quan chức năng, phần lớn người bán hàng rong trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu ở khóm 5 và khóm 6 (phường 3, TP.Bạc Liêu). Những người bán hàng rong đã bám vào bệnh viện kiếm sống từ hàng chục năm nay, trải qua mấy thế hệ, bất chấp các biện pháp ngăn chặn của Ban Giám đốc bệnh viện.

Tại khoa Nội có 3 hộ “cát cứ”, tại khoa Sản thì có 2. Họ bắc ghế ngủ luôn trong khoa.

Từ 4 - 5 giờ sáng, các hộ này đã vào bệnh viện bán hàng. Họ có nhiều cách để đưa hàng hóa vào trong bệnh viện. Bỏ hàng hóa vào bọc nylon đen, người ôm, người chở bằng xe máy đi vào cổng như người thân bệnh nhân. Nếu nhân viên bảo vệ không mở rào chắn ngăn xe máy vào bệnh viện thì họ vác xe qua. Hoặc lợi dụng khu vực bệnh viện chưa có hàng rào kiên cố để ra vào. Để cung cấp thêm hàng hóa cho người bán bên trong, người bên ngoài bệnh viện bắc thang lên tường rào, thả hàng hóa xuống bằng dây.

Phía ngoài cổng, ngay cổng chính, đường Nguyễn Huệ có 3 hộ bán cháo, hủ tiếu và các vật dụng cá nhân. Việc bày hàng hóa đã làm hẹp lối ra vào của xe cấp cứu, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông, chắn cửa ra vào Nhà văn hóa khóm 5.

Hàng rong đã… nhờn?

Thực trạng bất ổn trật tự xã hội, không đảm bảo trật tự đô thị tại khu vực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra từ nhiều năm qua, và chính quyền các cấp cùng lãnh đạo bệnh viện đã nhiều lần quyết tâm lập lại trật tự, song kết quả đâu vẫn vào đấy.

Gần đây nhất, ngày 19.9.2019, một “chiến dịch” quy mô kéo dài 2 tháng đã được UBND TP. Bạc Liêu triển khai, có sự giúp sức của Công an tỉnh và Sở Y tế. “Chiến dịch” đã làm cho khu vực bên trong bệnh viện tương đối ổn định, không còn trộm cắp, gây rối trật tự công cộng; bên ngoài cổng thì việc mua bán lấn chiếm lòng đường giảm nhiều.

Thời gian gần đây, nhất là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình mua bán tại bệnh viện trở lại bình thường. Công an Phường 3 phải căng kéo lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch, đảm bảo an toàn ở khu cách ly tập trung… nên không thường xuyên vào khuôn viên bệnh viện. Lực lượng bảo vệ của cơ sở y tế thì mỏng.

Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã thuê 8 công ty dịch vụ bảo vệ ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ và phối hợp với Tiểu đoàn số 4 (Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ), nhưng tất cả đều không đạt kết quả như mong muốn. Hiện bệnh viện không thuê dịch vụ bảo vệ nữa mà tuyển dụng, ký hợp đồng với 15 người và đang thử việc 3 người làm nhiệm vụ bảo vệ, chia làm 3 ca trực/ngày đêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn