MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Ảnh: Chân Phúc

Bệnh viện hiện đại "nghìn tỉ" hằng ngày chỉ đón 80 bệnh nhân, vì sao?

TÂM AN LDO | 13/04/2021 15:12

Trái ngược với cảnh quá tải tại cơ sở 1, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, được đầu tư xây dựng 5.800 tỉ đồng nhưng lại vắng bệnh nhân thăm khám bệnh.

Bệnh viện hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á

Ngày 2.10.2020, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại Thành phố Thủ Đức (TPHCM) hoàn thành và chính thức nhận khám ngoại trú. Đây được xem là bệnh viện ung bướu hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á với quy mô 1.000 giường, có sân đậu trực thăng.

Bệnh viện có 37 bác sĩ, 21 điều dưỡng và nhân viên các bộ phận khác đang làm việc, được thiết kế với đầy đủ các khu khám chữa bệnh ngoại trú, khu cận lâm sàng chẩn đoán y khoa, khu hành chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được đầu tư xây dựng 5.800 tỉ đồng. Ảnh: Chân Phúc

Nơi này được kỳ vọng đáp ứng tốt hơn cho công tác khám chữa bệnh, giảm quá tải cho bệnh nhân ung bướu trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, sau gần 7 tháng đi vào hoạt động, bệnh viện vẫn rất vắng bệnh nhân thăm khám, chủ yếu là người dân khu vực lân cận. Trong khi đó, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 tại quận Bình Thạnh (TPHCM) luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân.

Cảnh tượng vắng bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Ảnh: Chân Phúc

Anh Võ Văn Thanh (49 tuổi, Thành phố Thủ Đức) mắc bệnh cường giáp 3 năm trước. Đã nhiều lần, anh Thanh thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1.

Gần 7 tháng nay, khi Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động, anh Thanh chuyển đến đây để khám chữa bệnh. Việc này giúp anh tiết kiệm thời gian đi lại và chờ đợi. "Nơi này mới thành lập lại xa trung tâm thành phố nên ít người biết đến. Tôi nghĩ chỉ 1 thời gian ngắn nữa thôi thì bệnh viện sẽ đông bệnh nhân hơn" - anh Võ Văn Thanh nhận định.

Chưa thể đưa vào hoạt động đồng bộ

Trả lời Lao Động về vấn đề trên, ông Lê Anh Tuấn (Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM), cho hay hằng ngày cơ sở 1 trung bình có gần 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và 650 - 700 bệnh nhân nội trú. Cơ sở 2 trung bình hằng ngày có 80 bệnh nhân đến khám, chưa thực hiện khám nội trú.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cơ sở 2 của Bệnh viện tiếp nhận ít bệnh nhân là do cơ sở này chưa thể đưa vào hoạt động đồng bộ.

Bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 khám bệnh sáng 13.4. Ảnh: Chân Phúc

"Về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình, cho đến nay Cục Giám định nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đánh giá “…toàn bộ công trình (không bao gồm Hạng mục phòng khám Đa khoa - tầng 1, tầng 2, tầng 3 thuộc khối nhà chính của công trình) vẫn chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng”. Do đó, hiện tại Bệnh viện chỉ hoạt động ở khối phòng khám tầng 1, tầng 2, khoa cấp cứu, nhà thuốc bệnh viện và một phần của các khoa xét nghiệm, giải phẫu bệnh, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh" - ông Lê Anh Tuấn cho biết.

Để nhiều người dân biết và đến thăm khám tại cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu đã chuẩn bị nhân sự, kế hoạch truyền thông, chuyển bệnh nhân. Cùng với đó, bệnh viện cũng có kế hoạch tiếp nhận, bàn giao đưa vào hoạt động ngay các hạng mục khác ngoài khối phòng khám sau khi bệnh viện chính thức nhận bàn giao toàn bộ công trình từ chủ đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn