MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan (Ninh Bình) hiện đang nợ tiền thuốc, vật tư y tế của hàng chục doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Trường

Bệnh viện tại Ninh Bình nợ thanh toán tiền thuốc, công ty dược lao đao

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 26/01/2024 18:25

Ninh Bình - Hiện nhiều bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đang nợ tiền thuốc, vật tư y tế kéo dài khiến các công ty dược, doanh nghiệp cung cấp thuốc, vật tư y tế gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của PV báo Lao Động, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan (Ninh Bình), tình trạng nợ tiền thuốc, vật tư y tế đã kéo dài từ năm 2022 đến nay với số tiền lớn, nhiều đơn vị đã cung cấp thuốc, vật tư y tế cho Bệnh viện theo đúng hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán được.

Ông Phạm Thái Hòa - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan cũng thừa nhận việc Bệnh viện nợ tiền thuốc, vật tư y tế của một số công ty.

"Thực tế mà nói, từ năm 2019, khi chúng tôi được giao tự chủ 100% thì vấn đề tài chính của Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn. Hiện Bệnh viện có 4 phòng khám trực thuộc, thực hiện việc khám chữa bệnh cho người dân, các phòng khám này đều không đủ điều kiện để điều trị nội trú cho bệnh nhân, lượng bệnh nhân đến khám cũng rất ít, nên nguồn thu không đủ để trả lương cho cán bộ, nhân viên" - ông Hòa cho hay.

Cũng theo ông Hòa, vấn đề xử lý công nợ cho các đơn vị cung cấp thuốc, vật tư y tế hiện nay của Bệnh viện là rất khó khăn và chưa biết đến khi nào mới xử lý được.

Tương tự tại Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư, Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn... cũng đang trong tình trạng nợ tiền thuốc, vật tư y tế của các đơn vị cung cấp.

Việc các bệnh viện, trung tâm y tế nợ tiền thuốc, tiền vật tư y tế kéo dài khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động, vận hành bộ máy của doanh nghiệp.

Ông Đ.C.T, chủ một công ty chuyên cung cấp thuốc, vật tư y tế trên địa bàn thành phố Ninh Bình khẳng định, sự hợp tác giữa doanh nghiệp với ngành Y và ngành Dược đều hướng về mục tiêu chung là chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các doanh nghiệp dược đã và đang nỗ lực để việc cung ứng thuốc không bị gián đoạn, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Tuy nhiên, vấn đề công nợ của các đơn vị đối với doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng và kéo dài, gây khó khăn rất lớn cho việc vận hành doanh nghiệp.

"Theo như hợp đồng mua bán thuốc, vật tư y tế giữa doanh nghiệp và các bệnh viện thì sau 90 ngày kể từ khi xuất hóa đơn, các bệnh viện phải thanh toán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế thì có những hợp đồng cung cấp thuốc, vật tư y tế từ năm 2022 đến nay các bệnh viện vẫn chưa thanh toán" - ông T cho hay.

Cũng theo ông T, một thực tế hiện nay đó là hàng năm, hàng quý, các bệnh viện này đều được thanh quyết toán từ nguồn quỹ Bảo hiểm y tế nhưng các bệnh viện lại không trả tiền mua thuốc, vật tư y tế cho doanh nghiệp chúng tôi.

"Hiện nay các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang nợ doanh nghiệp chúng tôi gần 15 tỉ đồng tiền thuốc, vật tư y tế. Lời đâu chưa thấy nhưng bình quân mỗi tháng doanh nghiệp phải bỏ ra gần 200 triệu đồng để trả lãi cho Ngân hàng" - ông T thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn