MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều phụ nữ, người cao tuổi ở huyện Yên Dũng đã mất số tiền lớn cho những món hàng không rõ nguồn gốc vào tháng 9.2022. Ảnh: Vân Trường.

Bi hài chuyện người già online: Lừa khám miễn phí, mua thuốc vài triệu đồng

LƯƠNG HẠNH LDO | 18/01/2023 12:36

Khi có tuổi, vấn đề sức khỏe được người già quan tâm nhiều hơn. Do đó, họ thường bị những đối tượng giả mạo y bác sĩ để khám sức khỏe online, lừa mua thực phẩm chức năng, thuốc dỏm với số tiền hàng triệu đồng. 

Con gái bà Nguyễn Thị Khuyên (Tam Nông, Phú Thọ) là chị Nguyễn Hương sắm cho mẹ một chiếc smartphone để tiện liên lạc. Cũng từ đây, những chuyện bi hài từ chiếc smartphone khiến chị Hương bất lực đến nỗi muốn lấy lại chiếc điện thoại, không cho mẹ tiếp tục sử dụng.

Có bệnh về xương khớp nhiều năm, bà Khuyên đã đi khám chữa tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh nhà. Mỗi lần đi khám, uống thuốc theo chỉ định, tình hình sức khỏe của bà Khuyên chỉ thuyên giảm một thời gian sau đó lại tái phát. 

Với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", bà Khuyên tìm đến tất cả những nơi có thể giúp bà chữa trị căn bệnh trong đó có các địa chỉ tại mạng xã hội Facebook, Youtube... 

"Cứ khi nào mẹ tôi nhìn thấy thông tin có thuốc chữa bệnh mãn tính xương khớp là bà lại đặt mua. Có lần, bà mua đến gần 3 triệu đồng nhận về 2 hộp thực phẩm in nhì nhằng các loại hình, chữ linh tinh. Khổ nỗi, sau khi uống, mẹ tôi thấy giảm đau ngay lập tức, bà lại càng đặt nhiều những loại thuốc dỏm kia", chị Hương bất lực nói. 

Để tìm hiểu những hộp thuốc mẹ đặt thực sự có công dụng tốt cho sức khỏe hay không, chị Hương đã mang đến hỏi một người quen làm bác sĩ.

Theo vị bác sĩ, những hộp thuốc mà mẹ chị đặt có thành phần thuốc giảm đau là chủ yếu. Đó là lý do tại sao sau khi mẹ chị Hương sử dụng, bà lại cảm thấy tin tưởng đến vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh thành phần giảm đau, trong thuốc chỉ có những loại thực phẩm chức năng rẻ tiền, không có tác dụng gì cho sức khỏe. Điều đặc biệt, loại thuốc này không có mức giá cao ngất ngưởng như mẹ chị đặt về. 

"Tôi cũng mang kết quả khám bệnh tham khảo ý kiến bác sĩ tại các bệnh viện uy tín, nhưng bác sĩ cũng khuyên rằng, đưa mẹ đến bệnh viện để khám, chữa theo liệu trình được chỉ định. Sau khi sắp xếp thời gian, tôi sẽ sớm đưa bà đến Hà Nội khám bệnh. Tôi cứ không để ý là bà lại mua loại thuốc dỏm này từ bao giờ không biết", chị Hương cho hay.

Giấy mời tham dự hội thảo tặng quà "bất thường" gửi đến người dân xã Đức Giang (huyện Yên Dũng). Ảnh minh họa: Vân Trường.

Đã từng xảy ra cãi vã với bố chỉ vì ông dễ dàng bị các đối tượng lừa đảo dụ mua thực phẩm chức năng mất vài triệu đồng, anh Nguyễn Công Thái (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy rất bất lực. 

"Càng lớn tuổi, người già càng dễ bị tổn thương. Khi tôi lao vào công việc mà chợt quên quan tâm bố là y như rằng ông lại mua đồ linh tinh trên mạng. Lần gần đây nhất, ông mua một hộp đồ có gắn mác "đông trùng hạ thảo" gần 4 triệu đồng. Ngoài nhãn mác và một dòng chữ trên thì không hề có thành phần, công dụng, nơi sản xuất hay mã vạch gì...", anh Thái cho hay.

Không chỉ vậy, để bố anh dễ sa vào bẫy, đối tượng lừa đảo còn lợi dụng sự uy tín của một số giáo sư, bác sĩ để quảng bá sản phẩm. Cắt ghép hình ảnh họ gắn lên sản phẩm hòng chiếm lòng tin của người già. 

"Mỗi lần lừa đảo là một kiểu cách khác nhau. Chúng lừa đảo từ tư vấn sức khỏe đến tặng thuốc, khám miễn phí. Khám miễn phí chẳng qua để bố tôi thấy hời để sẵn sàng xuống tiền mua thuốc", anh Thái nói. 

Cũng theo anh Thái, chuyện những người cao tuổi như bố anh bị lừa qua mạng xã hội không mới, càng không hiếm. Điều này gióng lên hồi chuông cho những người trẻ là con cái cần quan tâm đến đời sống tinh thần của bố mẹ hơn, bên cạnh vấn đề tiền bạc, vật chất.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về tòa soạn: toasoan@laodong.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn