MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người bị số điện thoại lạ gọi điện "quấy rối", làm phiền suốt đêm vì liên quan đến khoản vay trên mạng. Ảnh: LDO

Bị khủng bố đòi nợ: Giáo viên cần có kỹ năng tự bảo vệ

QUANG ĐẠI LDO | 22/05/2022 10:04

Một số giáo viên phải bỏ nghề, nhiều đồng nghiệp khác cũng lao đao vì bị nhiều người gọi điện nhắn tin “khủng bố” đòi nợ.

Sự việc nói trên diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An, do một số giáo viên mầm non khó khăn nên phải vay tín chấp của FE Credit và sau đó dính hệ lụy. Giáo viên cho rằng họ đã thanh toán xong nhưng sau đó bỗng dưng nhận được điện thoại của những kẻ đòi nợ, thông báo vẫn còn nợ FE Credit.

Tiếp đó, điện thoại giáo viên và người thân, đồng nghiệp liên tục bị quấy phá, đe đọa. Một số hiệu trưởng, lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng bị “khủng bố” đòi nợ, cắt ghép ảnh đưa lên mạng xã hội với các nội dung vu khống.

Trước sức ép quá lớn, một số giáo viên đã phải bỏ việc, chấp nhận cuộc sống khó khăn vì thấy áy náy với lãnh đạo, đồng nghiệp. Sự việc nói trên không chỉ diễn ra ở Nghệ An mà còn có ở nhiều nơi khác, gây hoang mang, bức xúc.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh thông tin, triển khai các giải pháp để xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật, bảo vệ người dân. Thực tế đã có nhiều người sử dụng các biện pháp trái pháp luật để đòi nợ đã bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh đó, các giáo viên và người dân cũng cần trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Trước hết, tốt nhất hãy tránh xa các hình thức tín dụng không an toàn, không chính thống trên mạng hoặc trong thực tế như các hình thức cho vay trực tuyến, cho vay nặng lãi. Đây là các hình thức cho vay được mô tả “vay dễ - trả khó” với lãi suất rất cao mà nếu không trả đúng hạn, người vay sẽ rơi vào tình trạng mất an toàn.

Trường hợp khẩn cấp cần phải vay, thì nghiên cứu kĩ các quy định và trả tiền gốc, lãi đúng hạn. Thực chất đây là các khoản vay dành cho người cần tiền gấp trong khoảng thời gian ngắn, chứ không thể kéo dài. Những trường hợp khác cần tìm đến các tổ chức tín dụng được cấp phép, có điều kiện cho vay chặt chẽ nhưng lãi suất thấp, ổn định và tính an toàn cao, được pháp luật bảo đảm.

Đối với những người không liên quan đến khoản vay nhưng vẫn bị “khủng bố” đòi nợ qua tin nhắn, điện thoại, mạng xã hội thì có thể từ chối cuộc gọi, chặn số điện thoại quấy rối, không nghe các số điện thoại lạ, chặn các trang ảo trên mạng xã hội và tuyệt đối không chia sẻ các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Đồng thời có biện pháp lưu lại bằng chứng, báo cho cơ quan chức năng các số điện thoại quấy rối, các tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật để xử lý.

Sở dĩ những kẻ quấy rối, khủng bố đòi nợ thành công là vì vẫn có người nghe điện thoại, xem và trả lời tin nhắn, xem, chia sẻ các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Khi tất cả các hình thức nói trên bị từ chối, chặn, tẩy chay hoặc báo cơ quan chức năng, kẻ quấy rối sẽ mệt mỏi và từ bỏ.

Đặc biệt, khi bị cơ quan chức năng theo dõi, lập hồ sơ và xử lý, các đối tượng liên quan sẽ không dám hành động nữa.

Đây là những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết dành cho mọi người để đối phó với mọi hình thức quấy rối khác thông qua điện thoại và Internet, mạng xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn