MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bi kịch đời “giám đốc hờ”

Vương Hà LDO | 25/07/2016 11:19
Bi kịch là ở chỗ, lương không cao, quyền không có, dù chức danh rất oai: Tổng giám đốc, giám đốc nhưng toàn trên danh nghĩa. Họ là những vị “giám đốc hờ”, được các ông chủ thuê, nhưng khi vướng vào pháp luật, họ chịu tội thật bởi chữ ký thật, chức danh giám đốc thật.

5 - 10 triệu = 400 tỉ đồng?

Vụ án Phạm Công Danh - Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng – đang được đưa ra xét xử là ví dụ điển hình của các vị được thuê làm … giám đốc. Là người chủ mưu, nhưng Danh đã kéo theo một loạt  “giám đốc hờ” của mình cùng vào vòng lao lý.

Họ chỉ là lái xe, nhân viên, bảo vệ… bỗng dưng được làm tổng giám đốc, giám đốc với nhiệm vụ duy nhất là ký. Cứ ký, không biết mình ký gì, miễn là được hưởng lương.

Hài là ở chỗ, với đồng lương của “giám đốc hờ” chưa đầy chục triệu đồng/tháng, nhưng chữ ký của họ, đã giúp cho Phạm Công Danh rút dễ dàng hàng trăm tỉ đồng một cách bất hợp pháp.

Bi là bởi, mức lương quá bèo bọt, nhưng họ  phải ký những hợp đồng, những dự án hàng trăm tỉ. Chức danh dù chỉ là thuần túy danh nghĩa, nhưng trước pháp luật họ lại phải đối mặt với những bản án thật và rất nặng. Với vai trò đồng phạm, họ phải đối diện với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.

Trong phiên xử hôm 22.7 vừa qua, liên quan đến việc giúp ông Danh rút hàng trăm tỷ đồng của VNCB thông qua hợp đồng thuê mặt bằng trên đường Sư Vạn Hạnh, bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (37 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Việt) khai,  vốn là nhân viên bán xe cho Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng. Sau đó, thông qua anh trai tên Trung, ông Danh nhờ Vân đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Hương Việt.

Khóc ngất tại tòa, Vân khai, khoảng tháng 3.2013 được bộ phận tài chính kế toán của tập đoàn gọi lên ký hợp đồng thuê mặt bằng (sau mới biết là khống ) giữa Hương Việt và VNCB nhằm giúp ông Danh rút 400 tỷ đồng. Vân thừa nhận đã ký 3 ủy nhiệm chi xong không biết chuyển tiền đi đâu.

Tương tự, bị cáo Trần Văn Bình (50 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung) - bị cáo bị buộc tội về hành vi ký khống hợp đồng thuê mặt bằng với Ngân hàng Xây dựng giúp Danh rút hơn 400 tỷ đồng. Bị cáo Bình khai, vì chỉ là “giám đốc hờ” nên ký theo lệnh, mà không biết ký cái gì, và cũng không hề biết là đã ký vào các lệnh chuyển tiền vào lúc nào.

Tại phiên tòa, số bị cáo được làm “giám đốc hờ” kiểu này tới gần chục người. Lương có khi chỉ 5- 10 triệu đồng nhưng họ đã giúp cho Danh rút ruột ngân hàng hàng nghìn tỉ đồng. Lời khai tại tòa  xen lẫn tiếng khóc nức nở của một số bị cáo khiến không ít người ngậm ngùi, dù biết rằng họ không hoàn toàn vô tội. Ít nhiều, họ cũng biết hành vi của mình, nhưng họ cũng không thể ngờ, ông Phạm Công Danh lại “rút ruột” chính ngân hàng của mình. Với vị trí của mình, làm sao họ biết nổi những ngoắt nghéo trên thương trường?

Biết rồi, nói mãi vẫn làm … “giám đốc hờ”

Và khổ nỗi, kiểu “giám đốc hờ” này không mới, nhưng không ít  người vẫn bị dính vào vòng oan nghiệt này. Cách đây hơn chục năm, dư luận đã chứng kiến nhiều vụ án liên quan đến mua hóa đơn khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.  

Nói đến các vị “giám đốc” được thuê này, cách đây hơn chục năm, phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Phú Thọ phá vụ án buôn bán hóa đơn khống nhằm rút ruột nhà nước qua việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Đây là một trong số rất nhiều vụ án thời kỳ đó. Nó cũng điển hình cho chuyện các ông chủ thuê các “giám đốc hờ” chỉ mỗi nhiệm vụ ký vào hóa đơn khống.

Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng, băng nhóm tội phạm ở Phú Thọ lúc ấy chủ yếu mua hóa đơn khống ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Ở đây, có những ông chủ lập nên hàng loạt  doanh nghiệp ma, giám đốc các doanh nghiệp này thì … đi thuê. Các doanh nghiệp này có nhiệm vụ mua được càng nhiều hóa đơn giá trị gia tăng càng tốt. Bởi, nó sẽ được bán khống cho những người cần mua. Rất nhiều đơn vị, cơ quan cần mua nó để hợp thức hóa chứng từ, nhưng nhiều nhất vẫn là một số doanh nghiệp mua để lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng của nhà nước.

Lên trại tạm giam của Công an Phú Thọ, tôi gặp một số bị can vốn là anh xe ôm, chị nông dân suốt ngày chỉ quanh quẩn lũy tre làng được thuê làm giám đốc với đồng lương bèo bọt. Họ có nhiệm vụ duy nhất, khi nào có người đưa hóa đơn đến, ký vào đó mà  không cần biết bán cái gì, giá trị bao nhiêu tiền. Nhưng khi vụ việc bị vỡ lở, họ đã phải đối mặt với các bản án nghiêm khắc.

Quay lại phiên tòa đang xử Phạm Công Danh và đồng bọn, nếu cứ chiểu theo luật, những vị được thuê làm “giám đốc hờ” sẽ phải chịu hình phạt khá nặng.

Chắc chắn một điều, dù những vị “giám đốc hờ” này, không ít thì nhiều, vẫn biết việc làm của mình là phạm luật. Nhưng vẫn hy vọng và tin rằng, khi lượng hình, Hội đồng xét xử sẽ xem xét họ là những người ít am hiểu pháp luật, quá tin vào “ông chủ” của mình nên nhiều lúc phạm tội mà không biết hết mức độ nghiêm trọng của nó. Và nên coi đó là những tình tiết tăng nặng cho các đối tượng chủ mưu, lừa những người lương thiện vào vòng tội lỗi.

Họ - những vị “giám đốc hờ” – thật đáng trách, mà cũng thật đáng thương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn