MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Bị nợ lương, công nhân phải vay tiền đóng học cho con

Bảo Hân LDO | 14/01/2023 12:27
Nhiều công nhân từng làm việc tại Công ty Cổ phần Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam (có nhà máy sản xuất tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị nợ lương, khiến cuộc sống của họ rất khó khăn, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. 

Nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội

Phản ánh đến Báo Lao Động, anh Nguyễn Văn Toàn, một công nhân từng làm việc tại công ty cho biết, sau một thời gian làm ở công ty, anh xin nghỉ việc từ tháng 10.2023. “Sau khi nghỉ việc, công ty vẫn chưa thanh toán tiền lương toàn bộ tiền lương tháng 9, 10; còn lương tháng 8, công ty mới trả cho tôi được hơn 2 triệu, còn nợ tôi 2 triệu đồng. Mỗi tháng lương 4 triệu đồng (do làm ít ngày công), như vậy tổng cộng tôi đang bị công ty nợ khoảng 8 triệu đồng” – anh Toàn cho biết.  

Ngoài ra, theo anh Toàn, công ty không đóng bảo hiểm cho anh từ tháng 5 đến tháng 9.2023. “Vì vậy, khi tôi nghỉ việc, xin công việc mới từ tháng 10.2023, tôi vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm” – anh Toàn cho hay.  

Bị nợ lương dịp cuối năm, gần Tết, cuộc sống của anh Toàn rất khó khăn. Trong thời gian bị nợ lương, không có tiền, anh phải vay anh em, họ hàng 10 triệu đồng để đóng học cho con cũng như lo cho sinh hoạt gia đình hàng ngày. Vợ anh làm công nhân, thu nhập thấp ở mức 4,5-5 triệu đồng/tháng.  

“Tôi mong sớm lấy được tiền lương để còn sắm Tết, lo cho gia đình. Tết đến nơi rồi mà tôi chưa mua được gì cho ngày Tết” – anh Toàn nói.  

Theo thống kê của ông Nguyễn Văn Dũng – nguyên phụ trách sản xuất Công ty Cổ phần Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam – cho biết, hiện có khoảng 10 người lao động đã nghỉ làm cùng 4-5 người vẫn đang làm việc tại công ty bị nợ lương.  

“Người bị nợ lương thấp nhất là 10 triệu đồng. Người bị nợ nhiều thời gian nhất là 3 tháng, ít nhất là 1 tháng. Riêng tôi, bị nợ 2 tháng lương với số tiền 35 triệu đồng” – ông Dũng nói và cho biết thêm, ông và một số người khác có nhà tại Bắc Ninh còn đỡ khó khăn. “Nhiều người ở xa, phải thuê trọ, tháng nào cũng phải lo đi vay mượn để trả tiền ăn, tiền thuê trọ” – theo  ông Dũng. 

Ngoài ra, ông Dũng cung cấp thông tin, từ tháng 4 đến tháng 10.2023, công ty đã trích tiền của người lao động, nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.  

“Tôi yêu cầu công ty phải thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội để chốt sổ bảo hiểm xã hội” – ông Dũng nêu quan điểm.  

Trước Tết sẽ xử lý dứt điểm việc nợ lương

Phóng viên Báo Lao Động đã gọi đến số điện thoại của ông Nguyễn Ngọc Tặng – Giám đốc Công ty Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam để hẹn làm việc về phản ánh của người lao động. Tuy nhiên, ông Tặng từ chối gặp trực tiếp vì bận. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Tặng xác nhận có tình trạng công nhân bị nợ lương, tuy nhiên chỉ nợ 1,2 tháng lương của khoảng 4-5 người với số tiền “mấy chục triệu đồng”.  

Ông Tặng nêu ra 2 nguyên nhân của nợ lương: Do tình trạng nợ đọng, công nợ không thu được của công ty. Ngoài ra, theo ông Tặng, vừa qua có một số người quản lý (đã nghỉ việc) nhưng phải chịu trách nhiệm vì bị lỗi sản phẩm rất nhiều, hiện bên kinh doanh đang xử lý để thu hàng lỗi.  

Về nợ bảo hiểm xã hội, ông Tặng cho biết, do công ty chưa trả lương nên chưa trích đóng tiền bảo hiểm. Khi phóng viên nói thông tin việc nợ bảo hiểm xã hội có trước khi nợ lương, ông Tặng nói phải kiểm tra lại.  

Ông Tặng cho biết việc nợ lương sẽ được “xử lý dứt điểm” trước Tết cho người lao động.

Khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn