MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lâm vào cảnh khốn cùng, phải trải chiếu ra trước cổng Công ty TNHH SY VINA đòi quyền lợi khi bị nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: Khánh Linh

Bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, công nhân lâm vào cảnh khốn khó đủ đường

Nhóm PV Thời sự LDO | 02/06/2023 16:01
Vĩnh Phúc - Nhiều tháng nay, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH SY VINA (xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương) lâm vào cảnh khốn khó, chật vật khi bị nợ lương, nợ BHXH.

Cố gắng "thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu

Ôm trên tay đứa con nhỏ 26 tháng, ròng rã 3 ngày đêm, chị Trần Thị Phương - công nhân Công ty TNHH SY VINA - cùng những công nhân khác ăn, ngủ trước cổng công ty chờ quyền lợi. Nhiều tháng nay, bữa cơm của gia đình chị chỉ có ít rau và chút thịt cho bọn trẻ, còn hai vợ chồng có gì ăn nấy.

Qua trò chuyện được biết, đầu năm 2018, nữ công nhân này xin vào công ty với mức lương khởi điểm 3,4 triệu đồng, hiện nay tổng thu nhập mỗi tháng chị được khoảng 5 - 6 triệu đồng. Tuy nhiên, đã mấy tháng nay chưa được trả bất kì khoản tiền nào. 

 Đường cùng bất đắc dĩ, công nhân phải ăn, ngủ trước cổng công ty chờ quyền lợi. Ảnh: Khánh Linh 

Chị Phương cười buồn: “Mấy tháng không có lương, bỉm sữa của con và thức ăn trong gia đình toàn phải đi mua nợ. Nhưng nợ nhiều quá không có tiền trả, giờ các quán chẳng muốn cho nợ nữa”.

Theo nữ công nhân này, 1 năm trở lại đây, do làm ăn khó khăn, công ty thường không trả lương định kì hàng tháng. Theo đó, lương sẽ được chuyển 2-3 lần/tháng hoặc 3 lần/2 tháng.

Lương tháng gần 5 triệu đồng, mỗi lần công ty chuyển một chút thực sự không đủ tiền sữa cho con. Chưa kể còn việc ăn uống, học hành của bọn trẻ nữa. Giờ không có lương, tôi cũng không biết còn trụ được bao lâu, đi xin việc chỗ khác thì họ không nhận vì chưa chốt được bảo hiểm ở công ty cũ” - chị Phương cho hay.

Bà Hà Thị Dung (50 tuổi) - công nhân Công ty TNHH SY VINA, kể từ khi bị nợ lương, không có việc làm cũng là lúc bà bắt đầu chạy vạy ngược xuôi, vay mượn họ hàng và kiếm việc làm thêm để chuẩn bị cho cậu con trai thứ 2 sắp bước vào kì thi THPT quốc gia và đi học chuyên nghiệp.

 Hàng tháng, công nhân tại Công ty TNHH SY VINA vẫn bị trừ tiền đóng bảo hiểm. Ảnh: Khánh Linh 

Lén lau đi những giọt nước mắt, bà Dung tâm sự: “Giờ ai thuê gì cũng làm, trời nắng như đổ lửa, người ta thuê đi bó rơm, tiền công 150.000 đồng/ngày cũng vẫn phải đi làm. Chứ không làm thì không có tiền thức ăn hằng ngày, lại còn chuẩn bị cho thằng bé thi đại học nữa”.

Chồng mất sớm, một mình bà tần tảo nuôi hai cậu con trai khôn lớn cùng mẹ già đã ở tuổi “gần đất xa trời”. Mọi chi tiêu gia đình và chi phí học hành của con trông cậy cả vào đồng lương công nhân ít ỏi. Nay không có thu nhập ổn định, công ty lại nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội khiến đôi vai người phụ nữ nhỏ bé này thêm nhiều gánh nặng hơn.

Dưới trời oi bức, hàng trăm công nhân vẫn đứng ở cổng công ty mong được trả quyền lợi BHXH và lương. Anh: Phương Anh

Sắp sinh con thứ hai nhưng chưa nhận được bảo hiểm thai sản bé thứ nhất

Vào công ty từ tháng 6.2021, dù đã chuẩn bị sinh đứa thứ 2 nhưng chị Nguyễn Thị Nhàn vẫn chưa nhận được tiền thai sản của đứa đầu.

 Sắp đến ngày lâm bồn nhưng chị Nguyễn Thị Nhàn vẫn chưa có bảo hiểm xã hội. Ảnh: Khánh Linh 

Bây giờ tôi chuẩn bị sinh cháu thứ 2. Nếu công ty không đóng bảo hiểm cho tôi thì tôi sẽ không có bảo hiểm y tế để đi sinh em bé. Tổng số tiền bảo hiểm cho 2 lần mang thai của tôi là gần 80 triệu đồng. Rất mong nhà nước cùng cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để đòi lại quyền lợi cho chúng tôi” - chị Nhàn cho hay.

Theo các công nhân doanh nghiệp này, giám đốc đã hứa rất nhiều về tiền lương và tiền bảo hiểm y tế. Đồng thời, lãnh đạo của công ty hứa sẽ cố gắng thanh toán 100% lương và 1 phần của bảo hiểm y tế trong tháng 5 và phấn đấu đến tháng 6 sẽ thanh toán xong toàn bộ tiền bảo hiểm cho công nhân. Tuy nhiên, cho đến ngày 23.5 mới thanh toán được hết lương tháng 2 và một phần lương tháng 3.

“Dù trong tờ bảng lương tháng nào cũng bị trừ tiền bảo hiểm nhưng bản thân tôi đang bị nợ 2 năm 2 tháng tiền bảo hiểm. Cách đây vài ngày, kế toán - nhân sự có gửi tin nhắn cho tất cả chúng tôi với nội dung muốn công nhân đến phòng bảo vệ để xin giấy nghỉ việc.

 Các công nhân mệt mỏi chờ đợi suốt nhiều ngày liền. Ảnh: Khánh Linh

Nếu ai không thực hiện, trong vòng 1 tháng sau sẽ tự cho là chúng tôi hủy hợp đồng. Tôi cùng các công nhân khác luôn thắc mắc, tiền bảo hiểm của chúng tôi vẫn trừ vào tiền lương nhưng sao lại không nộp lên quỹ bảo hiểm xã hội?” - anh Đào Hương Sơn, công nhân công ty, bức xúc. 

Trước đó, phản ánh đến Báo Lao Động, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH SY VINA (địa chỉ xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phúc) bức xúc về việc bị công ty nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) hơn 2 năm nay, khiến công nhân ở lại làm không được, xin việc ở công ty khác cũng không xong.

Trong khi chờ công ty và các cơ quan chức năng xử lí chế độ BHXH, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động thì ngày 29.5.2023, công ty có dấu hiệu di chuyển tài sản đi nơi khác, khiến công nhân phải căng mình mắc màn xuyên đêm ngay trước cổng công ty để trông coi.

Người lao động tại doanh nghiệp này yêu cầu công ty giải quyết xong chế độ BHXH và trả lương vẫn đang nợ công nhân, mới được di chuyển máy móc, trang thiết bị đi nơi khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn