MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nạn nhân bị lạm dụng nhưng im lặng. (ảnh minh họa). Ảnh: A.C

Bị sàm sỡ, gạ tình: Im lặng là tự giày vò bản thân

NHÓM PV LDO | 21/04/2018 07:50
Sinh viên thực tập, nhân viên trẻ bị sàm sỡ, gạ tình là câu chuyện không mới, không lạ, thậm chí còn diễn ra khá phổ biến. Chỉ có điều, không mấy ai dám lên tiếng công khai. 

Câu chuyện này không chỉ xảy ra đối với nữ giới mà cả nam sinh cũng từng rơi vào trường hợp này. 

Bài ca “vợ chồng ly thân”, “gia đình anh không hạnh phúc”

Bị sàm sỡ, gạ tình, thậm chí xâm hại là câu chuyện tế nhị mà không mấy ai dám chia sẻ công khai. Chỉ đến khi 1 người dám đứng ra lên tiếng thì nhiều người mới thầm thì “mình cũng từng bị”.

Sau những ồn ào 1 nữ sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tố bị trưởng phòng nơi thực tập xâm hại, 1 nữ phóng viên cũng mạnh dạn lên tiếng.

Chị T.H (SN 1980), đang làm việc tại một cơ quan báo chí, từng học tại Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Năm 2001, tôi học năm cuối và đi thực tập tại báo về kinh doanh. Cùng ban có anh làm phóng viên tên N.H.S ngồi giảng giải phải làm nghề ra sao. Sau đó, người này rủ tôi đi làm tin bài.

Nào ngờ, chạy tới Gia Lâm thì anh rẽ ngang đẩy tôi vào nhà nghỉ, đã lấy chìa khóa từ trước. Tôi nhất quyết không lên phòng. Sau đó, anh này quay ra, đẩy tiếp tôi vào quán cà phê vườn sát đó có những ngăn chia kín. Nhưng tôi vẫn cố gắng phản ứng quyết liệt. Sau đó, tôi không tiếp xúc với người này nữa”.

Một lần khác, T.H có đi cạnh 1 giáo sư nổi tiếng, là giảng viên. Thầy lén nhìn phía sau có ai không, khoác vai T.H rồi hỏi số điện thoại trao đổi việc học. Sau đó, thầy gọi điện hỏi có cần gì không, tới gặp thầy rồi tương lai sáng lạn, muốn gì thầy cũng chiều. Hiểu ý thầy, T.H cáo bận việc từ chối đến.

Sau đó, chị T.H cũng phát hiện ra 1 cô bạn học học cùng cứ mãi “không chịu tốt nghiệp” bởi vì bị nợ môn của vị giáo sư này và thầy yêu cầu phải học riêng 1 thầy, 1 trò.

Trường hợp đau đầu hơn là của chị Nguyễn Hà T (SN 1990, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) thực tập tại 1 đài phát thanh huyện. Sau những tuần thực tập ban đầu, H.T phát hiện ra những điều “lạ” từ người hướng dẫn của mình như thường xuyên gọi điện quan tâm, dùng số lạ nhắn tin anh nhớ em hay mượn cớ đưa tài liệu để muốn xuống nhà chơi vì biết Hà T ở nhà một mình.

Sau nhiều lần từ chối khéo vì nghĩ mình đang thực tập, không nên phản ứng quá mạnh mẽ sẽ ảnh hướng, Hà T lại càng bị tấn công mạnh hơn với những lời lẽ như “vợ chồng anh li thân lâu rồi”, “anh sẽ li dị”, “gia đình anh không hạnh phúc”…

Mặc dù Hà T không đáp lại tình cảm, nhưng khi bị vợ của người này phát hiện chồng giấu giếm điện thoại riêng để nhắn tin đã gọi điện đe dọa: “Chị không ngờ em là 1 cô gái trẻ, tương lai em còn dài mà em nỡ cướp chồng chị, cướp đi hạnh phúc gia đình chị.

Từ ngày em về đài đến giờ, chồng chị lại bắt đầu giấu giấu diếm diếm điện thoại, lại bắt đầu cài mật khẩu... Em là đồ con gái chả ra gì.

Chị cho em biết. Em xin việc ở đâu thì xin. Đừng có mà về cái huyện này. Chị không để cho em yên đâu”.

Dù thực sự không có mối hệ gì đặc biệt nhưng Hà T vẫn bị ôm 1 cục tức trong người và cũng từ bỏ luôn ý định xin việc ở huyện vì không muốn bị rắc rối gì.

Hay như câu chuyện của Nguyễn Thu Huyền (SN 1993), vốn là sinh viên xinh đẹp, hoạt bát của Đại học Thái Nguyên nên khi đi thực tập hay kể cả đi làm, Huyền thường xuyên gặp phải tình huống bị sếp sàm sỡ.

Huyền kể: “Năm đầu đi học, mình gặp 1 anh làm trong nghề mình đang học được đánh giá là khá thành công. Anh này có rủ mình đi làm cùng và mình cũng đi.

Sau khi ăn trưa, anh này cũng mượn cớ say rượu để đưa mình vào nhà nghỉ. Nhưng mình nhất quyết không vào, mặc dù bị anh này kéo tay rất mạnh. Sau đó, mình không liên lạc với người này nữa”.

Việc bị sàm sỡ xảy ra thường xuyên hơn, kể cả khi đi làm. Vì tính chất công việc, Huyền thường hay phải đi tiếp khách với sếp. Mà mỗi lần say là có những người sẽ lại lợi dụng để sờ soạng và gạ gẫm.

Không chỉ nữ giới, thậm chí cả nam giới cũng bị gạ gẫm. Đó là câu chuyện của chàng trai tên Nguyễn An Thanh (SN 1995, Yên Dũng, Bắc Giang). Thanh chia sẻ, khi là sinh viên thực tập tại 1 báo tỉnh, Thanh từng bị 1 anh trưởng phòng báo điện tử gạ gẫm.

Người này vẫn xưng chú, cháu với Thanh, luôn quan tâm và gần gũi. Ban đầu, nghĩ là cùng giới nên Thanh không hề cảnh giác, nhưng sau vài lần bị “sờ soạng”, nam sinh này mới đi tìm hiểu thì có thấy những thông tin về giới tính của vị này. Sau đó, Thanh luôn tìm cách từ chối khéo để không phải tiếp xúc hay gần gũi với vị này.

Cần có những kỹ năng để xử lý tình huống

Thường xuyên bị sàm sỡ nên lâu dần, Nguyễn Thanh Huyền (SN 1993, Đại học Thái Nguyên) xác định: “Việc bị gạ gẫm xảy ra quá nhiều, đến mức mình tự hình thành được cách phản ứng lại. Hễ người ta có biểu hiện là mình cần phải tỏ rõ thái độ không thích và không đồng ý ngay.

Nếu ai mà e ngại hoặc sợ bị trù dập mà để cho họ nắm tay hay ôm vai được 1 lần là sẽ có những lần sau, thậm chí hành động còn mạnh bạo hơn”.

Huyền cũng tâm sự, nhiều cô gái không dám lên tiếng vì sợ người khác nói là “không có lửa sao có khói”; cũng có người thì sợ bị trù dập, bị mất việc, bị đánh trượt tốt nghiệp nên không dám công khai, hay lên tiếng.

Xác định rằng, cơ quan nào cũng sẽ có người nọ, người kia nên có xin thôi việc thì cũng thế nên Huyền luôn chọn giải pháp “sống chung với lũ”, nhưng theo Huyền, không phải ai cũng có kinh nghiệm để từ chối việc bị gạ gẫm hay sàm sỡ. Nhiều người chấp nhận cho xong chuyện, hoặc bị rơi vào trạng thái sự đã rồi”.

Đánh giá về việc này, TS Trần Thị Thu Hương - Giảng viên khoa Tâm lý Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, vấn đề sinh viên thực tập bị quấy rối tình dục không quá phổ biến nhưng rõ ràng vẫn đang tồn tại trong xã hội.

TS Thu Hương cũng kêu gọi nạn nhân lên tiếng bảo vệ bản thân, tố cáo những “ung nhọt” trong xã hội, vạch trần những “yêu râu xanh”.

Để tránh trường hợp “thần hồn nát thần tính”, TS Thu Hương đưa ra lời khuyên: “Trong trường hợp hỗn loạn, bị khống chế, để thoát ra khỏi tình huống đấy đã khó chứ chưa nói đến chuyện ghi bằng chứng, trừ khi đã bị xâm hại rồi. Vì thế phòng hơn chống, những đối tượng yêu râu xanh sẽ thường có biểu hiện không đứng đắn.

Trong trường hợp xấu, đã bị xâm hại và tổn thương thì cần chia sẻ với người thân, gặp gỡ chuyên gia tâm lý để được trấn an và điều trị trước. Khi sự tổn thương, ổn định lại mới nghĩ đến những biện pháp khác để lên tiếng tố cáo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn