MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Văn Tâm gom đồ đạc vào gác mái trong căn nhà trọ. Ảnh TG

Bị thu hồi toàn bộ đất làm dự án, cả chục hộ dân mòn mỏi chờ ngày an cư

Tùng Giang LDO | 28/08/2023 06:30

Như Lao Động đã đưa tin, đại gia đình ông Trần Văn Tâm từng là chủ sở hữu của diện tích đất gần 4.700m2 tại trung tâm huyện Thường Tín (Hà Nội). Thế nhưng, những năm tháng cuối đời, ông cùng gia đình phải đi ở trọ trong lán tôn vì toàn bộ diện tích bị thu hồi phục vụ dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Thường Tín nhưng chưa được bồi thường thỏa đáng.

Cuối đời chật vật cảnh ở thuê

Ngày 27.8, ông Trần Văn Tâm (trú tại tiểu khu Trần Phú, thị trấn Thường Tín) cho biết, từ tháng 4.2023 đến nay, sau nhiều lần gia đình gửi đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định 1058/QĐ-UBND ngày 23.3.2023 của UBND huyện Thường Tín, dù đơn đã được tiếp nhận nhưng chưa được thụ lý để trả lời các hộ dân.

“Chúng tôi cũng nhiều lần gửi kiến nghị lên TP Hà Nội và được thành phố chỉ đạo thụ lý, giao thanh tra vào cuộc xác minh vụ việc. Tuy nhiên, vì lý do vụ việc phức tạp nên thời gian ra kết luận kéo dài”, ông Tâm nói.

Theo đơn kiến nghị gửi tới Báo Lao Động, đại gia đình ông Trần Văn Tâm từng là chủ sở hữu khu đất rộng lớn, nằm ngay cạnh trụ sở UBND huyện Thường Tín với tổng diện tích lên tới gần 4.700m2.

Nguồn gốc khu đất trên được hình thành từ những năm 1967 do bố mẹ ông để lại theo di chúc cho các con cháu. Sau năm 2003, toàn bộ thửa đất trên được gia đình phân chia cho 7 người con, 2 người cháu và để lại 1 phần diện tích khoảng 250m2 làm nhà từ đường thờ cúng chung của dòng họ.

Từ đó tới nay, đại gia đình ông đã phân chia đất để quản lý, sử dụng với diện tích, ranh giới riêng theo từng hộ gia đình, có cắt đất để mở đường vào các nhà và sử dụng ổn định, không tranh chấp, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế sử dụng đất hằng năm đối với Nhà nước.

Đến ngày 27.10.2017, UBND huyện Thường Tín có thông báo số 238/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Thường Tín, dự kiến thu hồi diện tích đất: 4.674,2m2; tại Thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín.

Hiện tại, diện tích đất nói trên đã được con, cháu phân chia sử dụng ổn định từ 2003, và được chính quyền địa phương xác định không tranh chấp.

Cận cảnh khu đất từng là nơi đại gia đình ông Tâm sinh sống. Ảnh: TG

Nhận được thông tin này, đại gia đình ông Tâm xác định rõ là ủng hộ chủ trương để phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ, bồi thường được các hộ dân cho rằng chưa cụ thể và chưa đảm bảo được quyền và lợi ích của các gia đình. Bởi gia đình ông gần như tay trắng khi đất thu hồi được xác định và bồi thường theo diện đất không có giấy tờ.

Trong nghẹn ngào ông Tâm chia sẻ: "Trước kia, khu đất nhà tôi là một khu vườn thu nhỏ, sống ổn định lâu dài và được đầu tư khang trang. Nhiều lần gia đình tôi đến chính quyền địa phương để làm giấy tờ, sổ đỏ nhưng chỉ nhận được những lời lứa hẹn, chờ đợi. Giờ hai vợ chồng già phải sống cảnh thuê trọ lán tôn. Không biết cảnh sống này bao giờ mới kết thúc?".

Hiện nay, ông Tâm và các hộ khác trong phần diện tích đất thu hồi phải sống cảnh nhà thuê. Trong đó, hộ gia đình bà Trần Thị Hòa - một người được thừa kế trong diện tích đất bị thu hồi - đang lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, bởi chồng bà bị liệt một chân, cháu nội bị thiểu năng trí tuệ và đặc biệt, mẹ chồng bà Hòa năm nay đã 103 tuổi không thể đi lại.

Cụ bà 103 tuổi khiến nhiều chủ trọ ngại cho thuê. Ảnh: TG

Khi bị thu hồi đất, nhà bà Hòa gần như không chốn dung thân, bởi lẽ ai cũng sợ mẹ chồng bà do tuổi đã cao sẽ ảnh hưởng đến nhà cho thuê trọ.

Nỗi băn khoăn của các hộ dân

Trước những bất bình trong quá trình triển khai đền bù, hỗ trợ phục vụ Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Thường Tín, gia đình ông Tâm cho biết, về các phương án hỗ trợ hiện nay đang khiến nhiều hộ băn khoăn.

Bởi lẽ, có 10 chủ sử dụng đất ổn định không tranh chấp từ 2003 nhưng chỉ có 4 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra, các phương án không chỉ rõ đến từng chủ có đất bị thu hồi về quyền lợi được đền bù cho đất và tài sản trên đất.

“Bản đồ địa chính đo vẽ năm 1990 và sổ địa chính lưu tại UBND thị trấn Thường Tín đã thể hiện rõ gia đình chúng tôi có 2.253m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn, ao. Bản đồ lập năm 1994, gia đình chúng tôi có 1.399m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn, ao. Tại Biên bản kiểm tra việc sử dụng đất đai, hộ khẩu và thuế ngày 22.08.1991 của UBND huyện Thường Tín ký và xác nhận bởi UBND Thị trấn và Công an huyện, mang tên đại diện gia đình là cụ Trần Thị Sửu (mẹ ông Tâm) và ông Trần Văn Tâm (là con trai cả trong gia đình) cũng đã xác định rõ ràng diện tích đất ở là: 2.163m2; diện tích đất vườn ao là: 591m2; nguồn gốc đất: Ghi đất ở cũ, khu lò gạch, từ năm 1956. Dù những căn cứ pháp lý đã rõ ràng, tuy nhiên lại không được Hội đồng bồi thường sử dụng để xác định làm căn cứ tính đền bù”, ông Tâm dẫn chứng.

Huyện Thường Tín nói gì?

Trước những thông tin trên, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín.

Ông Tùng cho biết: “Hiện khiếu nại này đã được TP Hà Nội thụ lý, bao giờ thành phố có kết quả trả lời thì sẽ công bố công khai”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, vụ việc này phải chờ thành phố, rất khó khăn chứ không phải đơn giản. Quan điểm của thành phố còn chưa đồng ý với phương án của huyện nên thành phố quyết định thế nào thì huyện sẽ điều chỉnh theo chỉ đạo.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo các chuyên gia pháp lý, với nguồn gốc đất rõ ràng và các lý do nêu trên, thì đất ở gia đình ông Tâm và các hộ còn lại được xem như đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất khi xem xét bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi đầu tư dự án xây dựng công trình mới thấu tình đạt lý và đảm bảo quyền lợi chính đáng và cuộc sống của công dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn