MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần phải nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) trở lại mới được làm CCCD gắn chíp. Ảnh: Lương Hạnh.

Bị xóa hộ khẩu làm thẻ CCCD gắn chíp như thế nào?

LƯƠNG HẠNH LDO | 17/04/2021 18:06
Khi bị xóa hộ khẩu thì việc làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp sẽ phải thực hiện như trong Luật Cư trú 2006 quy định.

Cần phải nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) trở lại

Cụ thể, thẻ CCCD gắn chíp là loại giấy tờ tùy thân trên đó ghi nhận thông tin nơi thường trú của người dân ở trên mặt thẻ. Do đó, để được cấp thẻ CCCD gắn chíp, công dân cần phải có nơi đăng ký thường trú (sổ hộ khẩu). Trường hợp đã bị xóa hộ khẩu, người dân cần phải nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) trở lại để có thể thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chíp.

Hiện hành, theo quy định tại Điều 13 Thông tư 35/2014/TT-BCA, thì người dân có thể đến công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú cũ để xin giấy xác nhận về việc trước đây đã đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh công dân trước đây có hộ khẩu thường trú (nếu có).

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xác nhận và trả kết quả cho công dân; trường hợp không xác nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nội dung xác nhận bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: Họ và tên, tên gọi khác (nếu có), ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nguyên quán, dân tộc, tôn giáo, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú, ngày, tháng, năm đăng ký thường trú, ngày, tháng, năm xóa đăng ký thường trú.

Như vậy, khi có giấy xác nhận công dân sẽ đi làm thủ tục nhập sổ hộ khẩu và thực hiện làm CCCD gắn chíp.

Trường hợp người dân sinh sống ở TP.HCM hoặc địa phương khác đã bị công an địa phương nơi thường trú xóa hộ khẩu và mất CMND cũng được giải quyết tương tự.

Các trường hợp được đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu)

Để được cấp CCCD gắn chíp người dân cần đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) trong trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;

- Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

Thủ tục đăng ký thường trú

Theo Điều 21 Luật Cư trú 2006 được sửa đổi bổ sung bởi Luật Cư trú 2013 thì thủ tục đăng ký thường trú được quy định như sau:

Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

- Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

Nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

- Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

- Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn