MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh TPHCM lái xe trên 50 phân khối. Ảnh: Chân Phúc

Biết vi phạm nhưng nhiều phụ huynh vẫn giao xe trên 50 phân khối cho con

Chân Phúc LDO | 18/04/2024 18:00

TPHCM - Nhiều phụ huynh thừa nhận, việc giao xe máy cho con sẽ tiềm ẩn nguy hiểm, vi phạm Luật giao thông đường bộ, nhưng vì một số lý do như không có thời gian đưa đón, nhà xa trường,... nên vẫn chấp nhận để con tự lái xe máy tới trường.

Học sinh vi phạm Luật giao thông, lái xe máy trên 50 phân khối khi đến trường là thực trạng, xuất hiện nhiều tại nhiều thành phố lớn, trong đó có TPHCM.

Vào các khung giờ sáng, trưa và chiều, xung quanh các tuyến đường gần các trường THPT, hình ảnh những em học sinh mang trên người những bộ đồng phục, ba lô điều khiển xe máy xuất hiện rất nhiều. Nhiều trường hợp, các em còn không đội mũ bảo hiểm, kẹp 2, kẹp 3.

Hình ảnh học sinh lái xe máy trên 50 phân khối, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 2, kẹp 3 được phóng viên ghi nhận và trưa 17.4. Ảnh: Chân Phúc

Bà Nguyễn Thị Hằng (quận Bình Tân) cho biết, đang có con trai học lớp 11 tại một trường THPT trên địa bàn quận, con trai bà đang được cho tự điều khiển xe máy đến trường.

Theo bà Hằng, chiếc xe máy con đang điều khiển được gia đình bà mua hồi đầu năm học, khi đó xe máy điện thường dùng bị hư hỏng.

"Gia đình cũng bàn bạc, nếu mua một chiếc xe máy điện mới thì không hợp lý bởi 2 năm nữa con sẽ học xong cấp 3, lúc đó xe này sẽ không ai sử dụng, gây lãng phí. Vì vậy sau đó gia đình quyết định mua luôn chiếc xe máy để con đi học.

Chúng tôi biết con chưa đủ tuổi để sử dụng xe máy này nhưng ở trường con và những trường khác, việc học sinh chạy xe trên 50 phân khối rất nhiều nên gia đình quyết định mua, để con sử dụng lâu dài", bà Hằng phân trần.

Tương tự, ông Huân (quận Bình Tân), có con trai đang học lớp 12 thừa nhận việc để con tự lái xe máy trên 50 phân khối đến trường là sai, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ông cho biết, không có lựa chọn nào hợp lý hơn.

"Nhà tôi cách trường 6km, một quảng đường khá xa, trong khi 2 vợ chồng đều làm văn phòng, trưa không về nhà nên không đưa đón con đi học được, do đó buộc phải để con tự lái xe máy.

Gia đình cũng biết sẽ tiềm ẩn nguy hiểm khi giao xe cho con nên ngoài việc dùng để đi học, cũng nghiêm cấm con sử dụng cho những việc khác. Đi chơi hay học thêm ở ngoài trường vào buổi tối đều được chúng tôi chở đi hoặc đặt xe công nghệ chứ không để con tự lái xe", ông Huân nói.

Đội CSGT – Trật tự Công an quận Phú Nhuận phát hiện, lập biên bản nhiều trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe mà không có giấy phép lái xe, lái xe khi chưa đủ tuổi vào trưa 16.4. Ảnh: Chân Phúc.

Trước đó, ngày 15.4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã có văn bản gửi trưởng phòng GDĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT…, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục cần rà soát công tác tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh với nhà trường về nội dung bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; không giao xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện cho học sinh chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật; tổ chức cho học sinh ký cam kết với nhà trường thực hiện việc điều khiển xe gắn máy và các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người theo quy định và không đi hàng hai, hàng ba khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, yêu cầu nhà trường không tổ chức giữ xe môtô, xe gắn máy của học sinh khi không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi; đồng thời, cần đề nghị cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra các hộ giữ xe học sinh không đúng quy định khu vực xung quanh trường. Nhà trường cần có biện pháp xử lý, giáo dục học sinh khi vi phạm giao thông đúng theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn