MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lối đi tự mở qua đường sắt của người dân cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Long

Bịt kín đường ngang tự phát qua đường sắt, tai nạn sẽ giảm

Bạn đọc Nguyễn Long LDO | 02/06/2020 14:06
Đã từ lâu, trên chiều dài tuyến đường sắt Thống Nhất nói riêng và các tuyến đường sắt khác tại nước ta nói chung, luôn xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản.

Nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn chủ yếu vẫn là do nhiều người dân vi phạm hành lang an toàn đường sắt, trong đó không ít người bất chấp sự nguy hiểm khi cố tình vượt đường ngang, vượt barie. 

Thông thường, tại các con đường giao nhau được xem là "chính thống", thường có rào chắn, nhân viên gác, thậm chí có cả chuông, biển hiệu nhắc nhở. 

Nếu rào, bịt kín các đường ngang do người dân tự mở, tai nạn đường sắt sẽ giảm. Ảnh: Nguyễn Long

Thế nhưng, vấn đề cực kỳ nguy hiểm và đáng báo động ở đây là các cung đường ngang tự phát do dân tự trổ, tự mở để đi lại giữa dân cư hai bên đường sắt, hầu như không có sự cảnh báo nào, ai muốn đi qua phải tự... áng chừng thời giờ tàu chạy.

"Không ít lần tôi thót tim, rùng mình khi nhìn cảnh người dân đi xe gắn máy cố tình cắt qua một đường ngang, trong khi đoàn tàu chỉ còn cách điểm giao chưa đầy trăm mét.

Chính vì nhiều người khi qua các đường ngang "tử thần" thường vội vàng, chủ quan nên mới có nhiều các vụ tai nạn thương tâm xảy ra" - một người dân sống gần khu vực Trường Chinh, Hà Nội nói.

Để các vụ tai nạn đường sắt giảm, cũng như đảm bảo an toàn chạy tàu, ngoài việc tiến hành rào bịt các đường ngang dân sinh tự phát, ngành đường sắt cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng tại các địa phương có tuyến đường sắt chạy qua, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được sự nguy hiểm. 

Mặt khác, cơ quan chức năng nên xử lý mạnh tay đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm hành lang an toàn đường sắt, khi tự ý mở đường, lối đi băng ngang đường sắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn