MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kết nối, ứng dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Bocongan.gov.vn

Bộ Công an lấy ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu

Bảo Nguyên LDO | 27/02/2024 07:14

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó, đánh giá chung về kết quả thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu, dự thảo Báo cáo nêu rõ: Những năm qua, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến dữ liệu đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển đối với lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của dữ liệu tại Việt Nam.

Thực hiện văn bản pháp luật có quy định về dữ liệu đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo; nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đẩy mạnh việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp theo hướng lấy người dân làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

Bên cạnh những ưu điểm, hiệu quả đã đạt được thì vẫn tồn tại một số hạn chế như: Hành lang pháp lý về dữ liệu của nước ta vẫn còn chưa đầy đủ; Chưa có tiêu chuẩn về dữ liệu thống nhất dẫn đến đang có nhiều loại dữ liệu gồm các độ mật dữ liệu, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu mở… cơ chế kết nối, chia sẻ giữa các đơn vị không thống nhất và phù hợp.

Các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hạ tầng thông tin có quy mô từ trung ương đến địa phương có tính chất nền tảng chậm được triển khai, đưa vào khai thác trên quy mô quốc gia (điển hình như CSDL đất đai quốc gia).

Hạ tầng dữ liệu quốc gia còn rời rạc, chất lượng không đồng đều và chưa cao. Đồng thời, sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để tạo lập nguồn tài nguyên dữ liệu quốc gia quan trọng còn yếu và thiếu đồng bộ chưa đáp ứng tốt việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Kinh phí đầu tư trang bị hạ tầng, trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và kết quả mang lại chưa tương xứng. Nhân lực về công nghệ thông tin còn hạn chế.

Việc chia sẻ dữ liệu quốc gia nói riêng và các CSDL từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; dữ liệu của doanh nghiệp nằm một cách rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của mỗi doanh nghiệp. Dữ liệu cá nhân vẫn bị khai thác, mua bán trái pháp luật; an ninh, an toàn thông tin tại một số cơ quan chưa đảm bảo…

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất, kiến nghị xây dựng Luật Dữ liệu với bốn chính sách lớn, gồm:

- Chính sách 1. Quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu.

- Chính sách 2. Quy định về CSDL tổng hợp quốc gia.

- Chính sách 3. Quy định về Trung tâm dữ liệu quốc gia.

- Chính sách 4. Quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.

Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 26.2 và hết hạn vào ngày 26.3.2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn