MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học phí tăng cao đang khiến nhiều phụ huynh, học sinh đau đầu khi chọn trường. Đồ hoạ: Tuệ Nhi

Bộ GDĐT yêu cầu giữ học phí ổn định: Bạn đọc ủng hộ

HUYÊN NGUYỄN LDO | 22/04/2021 11:01

Việc Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn đọc Báo Lao Động.

"Tăng học phí" có lẽ là cụm từ gây nhiều ám ảnh với phụ huynh, học sinh trong mùa tuyển sinh một vài năm gần đây. Sau khi được tự chủ, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí gây "choáng" khi có trường tăng tới hơn 5 lần.

Đầu mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí dự kiến tăng như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Tài chính...

Trước việc này, Bộ GDĐT đã có động thái vào cuộc. Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Bộ GDĐT đã có nhiều công văn, trong đó có công văn số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16.4.2021 chỉ đạo các cơ sở giáo dục giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 và tăng cường trách nhiệm giải trình trước người học về các mức thu.

Đồng thời, Bộ GDĐT đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi, lộ trình tăng học phí, xử lý kịp thời các vi phạm về quản lý học phí theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP.

Sau khi Lao Động đăng tải nội dung về động thái của Bộ GDĐT, bạn đọc đã để lại nhiều chia sẻ đồng tình.

Bạn đọc Vũ Nga bình luận: "Cảm ơn các bác lãnh đạo. Theo tôi phải có mức trần chung không được vượt mức đó".

Một bạn đọc khác thì nhấn mạnh: "Tự chủ nhưng phải thanh tra hàng năm xem việc tăng học phí hợp lý không. Vả lại cả nước đang gồng mình để ổn định lại cuộc sống do dịch bệnh, không nên tăng học phí 1 cách chóng mặt."

Bạn đọc Văn Huy Toàn gửi tâm sự: "Trường đại học Y mà tăng gấp đôi thì khổ mình về khoản học phí cho con rồi!"

Bạn đọc Khả Ngân viết: "Con mình sinh năm 2003 cũng vậy. Điểm bình quân các môn hàng năm trên 9,5. Năm lớp 10, con đã nuôi hy vọng và đầu tư khối B để sau vào Trường Đại học Y Dược TPHCM. Nhưng năm nay chắc cũng không dám đăng ký xét tuyển vào trường này vì có mức thu học phí cao quá... Lương cán bộ chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/tháng như mình làm sao nuôi nổi trường Y đây. Trường này lại là mong muốn nguyện vọng 1 của con mới khổ chứ".

Trong tâm thế phụ huynh khác lại lo lắng: "Thật sự rất lo lắng nếu như các trường tăng phí đào tạo. Như bản thân tôi đang nuôi con ăn học đại học với mức phí như trước đây đã phải cố gắng rất nhiều rồi mà còn tăng thêm nữa thì quả là rất khó khăn".

Bạn đọc Đặng Xuân Diễm bày tỏ lo ngại: "Đừng thương mại hóa giáo dục và đào tạo. Hệ lụy xã hội cho ra một loạt sản phẩm kỹ sư là con cháu những nhà khá giả còn con em những người lao động học được nhưng không có tiền theo học...".

Trong khi đó, cũng có những ý kiến trái chiều. Bạn đọc Hà Thu cho rằng một khi đã giao tự chủ tài chính lại khống chế mức thu thì làm sao tự chủ? Không chỉ có thế, xã hội lại luôn yêu cầu chất lượng đào tạo, nếu cứ theo tiêu chí cũ rích ngon, bổ, nhiều, rẻ... thì biết bao giờ chất lượng đào tạo mới khá lên được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn