MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi trường ở Thanh Hoá từng ra quyết định kỷ luật đuổi học 3 học sinh vì nói xấu thầy cô trên mạng Facebook.

Bỏ hình thức kỷ luật "đuổi học": Đó là giáo dục nhân văn

Bằng Linh LDO | 07/09/2020 06:11

Bộ GD và ĐT đang dự thảo Thông tư mà theo đó sẽ không còn hình thức kỷ luật “đuổi học”, “buộc thôi học” đối với học sinh. Thay vào đó là hình thức tạm dừng học tập trên lớp với thời hạn tối đa là 2 tuần với một lỗi vi phạm.

Trong cuộc đời học sinh của chúng ta vẫn bắt gặp những trường hợp vì một lỗi nào đó mà bạn mình bị đuổi học. Phần lớn, lỗi lầm đó xuất phát từ sự nghịch ngợm, bồng bột. Thời học cấp 2, tôi có người bạn bị án kỷ luật ghi học bạ, đuổi học chỉ vì “tội” đốt pháo trong trường.

Một thời gian sau khi không còn được tới trường, bạn tôi trở thành tội phạm và phải thi hành án tù. Vài chục năm sau khi gặp lại, người bạn này hối hận và nói rằng: “Nếu ngày trước thầy cô bao dung hơn, cho học sinh cơ hội sửa chữa lỗi lầm thì cuộc đời của tôi đã khác”.

Có bao nhiêu số phận trong cuộc đời này bị thay đổi theo hướng tiêu cực chỉ vì một quyết định đuổi học?

Cách đây 2 năm, có câu chuyện 8 học sinh lớp 10 ở Thanh Hoá nói xấu giáo viên, nhà trường trên mạng xã hội. Các em này sau đó nhận quyết định rất nghiêm khắc là “đuổi học”. Cụ thể, đuổi học 1 năm đối với 3 học sinh, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.

Phải đến khi có sự can thiệp của Sở Giáo dục, mức kỷ luật này mới hạ xuống thành: 3 học sinh bị đuổi học 1 năm hạ xuống còn đuổi học 1 tuần, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần hạ xuống còn bị cảnh cáo, và 1 học sinh bị cảnh cáo trước toàn trường hạ xuống còn bị khiển trách.

Sau sự việc này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: “Trong giáo dục, đuổi học trò ra khỏi vòng tay người thầy, nhà trường là một hạ sách trong các cách ứng xử. Đuổi học học sinh là cách nhanh nhất để chúng ta chối bỏ trách nhiệm của nghiệp trồng người”.

Thậm chí, có ý kiến gay gắt hơn: Mục đích giáo dục là giúp học trò hoàn thiện bản thân, mà nếu cứ trẻ làm sai và đuổi các em thì chúng ta đang chối từ trách nhiệm giáo dục của chính mình. Trường nào mà đuổi học học sinh là đang vô trách nhiệm với hoạt động giáo dục của mình.

Tôi rất ấn tượng với một bài phỏng vấn thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội về chuyện này. Thầy Khang tâm sự rằng gần 50 năm làm trong ngành giáo dục, từ giáo viên cho đến khi làm hiệu trưởng, thầy chưa bao giờ phải ký văn bản đuổi học học sinh.

"Thực tế tôi đã gặp rất nhiều tình huống vi phạm của học sinh đáng bị đuổi học nhưng tôi luôn tìm biện pháp mềm để giải quyết. Mỗi khi rơi vào tình huống đó, tôi tự hỏi mình đã bất lực chưa, nếu chưa thì còn nước còn tát, bởi một khi đưa ra quyết định đuổi học học sinh có nghĩa là nhà trường đã bất lực”- thầy Khang nói.

Hình ảnh của thầy Nguyễn Xuân Khang cạnh những học trò nhỏ - Ảnh: Marie Curie Hanoi School

Thầy Nguyễn Xuân Khang cũng dẫn ra câu chuyện học sinh của mình nói xấu, xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội. Nhiều thầy cô bức xúc muốn thành lập hội đồng kỷ luật. Thế nhưng, thay vì phản ứng và ra quyết định đuổi học như trường hợp ở Thanh Hoá, thầy Khang đã quyết định không có cuộc họp nào cả. Học sinh vi phạm nội quy đã gặp cô giáo, khóc và xin lỗi.

Nhà trường khác với cơ quan hành chính, càng khác với công an phường lấy kỷ luật để trừng trị và răn đe. Nhà trường phải là nơi cảm hoá, thầy cô phải làm sao để gần gũi trò, nắm bắt suy nghĩ, nội tâm của trò để chinh phục chứ không phải ở tâm thế trừng trị.

Bởi thế, dự thảo của Bộ GD và ĐT bỏ quy định đuổi học, buộc thôi học chắc chắn nhận được sự đồng tình của chính thầy cô, phụ huynh và các em vì đó là giáo dục nhân văn, vì con người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn