MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sổ hộ khẩu và chứng minh thư sẽ được thay bằng căn cước công dân

Bỏ hộ khẩu: Liệu có dễ dàng hay lại cần một thủ tục khác?

P.D LDO | 09/11/2017 10:20
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ việc bỏ sổ hộ khẩu thì không ít người dân tỏ ra băn khoăn và có nhiều thắc mắc liên quan đến hàng loạt các thủ tục hành chính "dính" đến hộ khẩu từ trước đến nay.

Thời gian vừa qua, thông tin về việc bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân, thay vào đó là quản lý bằng mã số định danh cá nhân đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người dân. Việc bỏ hộ khẩu và chứng minh thư được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình trước chủ trương được xem là đúng đắn này thì nhiều người dân vẫn tỏ ra băn khoăn, bởi lẽ từ trước đến nay, sổ hộ khẩu đã tác động tới rất nhiều lĩnh vực của đời sống.

Bạn đọc Van Tri Ho thắc mắc: “Cho tôi hỏi việc vay vốn ngân hàng, các hồ sơ vay, nợ xấu trước đây có được mới hết không, hay đi đôi 2 cái căn cước công dân và CMND?”

“Thế giờ mua nhà, mua xe, không cần hộ khẩu nữa à? Tôi không có hộ khẩu Hà Nội cũng có thể mua nhà ở Hà Nội sao?”, bạn đọc Nguyen Hoa hỏi.

Ngoài ra, liên quan đến việc này, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra băn khoăn, lo lắng về thủ tục đăng ký học trường công lập cho con em sẽ ra sao. Nhất là đối với những người dân ngoại tỉnh đang có nguyện vọng cho con em theo học trường công tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác.

“Bỏ sổ hộ khẩu, việc vào học trường công lập của em tôi liệu có dễ dàng hay lại cần một thủ tục khác? Liệu gia đình tôi ở ngoại tỉnh thì con tôi có cơ hội được học ở các trường ở thủ đô?” – độc giả Nguyen Thu Giang thắc mắc.

Bên cạnh những thắc mắc liên quan đến các thủ tục hành chính về hộ khẩu, nhiều người dân cũng băn khoăn, bỏ quản lý hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý điện tử liệu có hiệu quả.  

Bạn đọc Nguyễn Chiến nêu ý kiến: “Cần phân biệt sự khác nhau về phương thức và công nghệ áp dụng: Hộ khẩu là cách quản lý các cá nhân trong cùng một hộ, lấy gia đình làm đơn vị nền tảng. Còn quản lý theo kiểu mới có thể hiểu theo cách là quản lý "ID" cho từng cá nhân, lấy cá nhân làm đơn vị nền tảng. Thay đổi của ta thực chất là phương thực bỏ sổ hộ khẩu thực sự và áp dụng công nghệ quản lý mới.”

“Hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng quản lý 1 vài triệu khách hàng còn có nhiều lúc đơ do vài nghìn nhân viên truy cập. Vậy bao giờ Việt Nam mới đủ cơ sở hạ tầng và số hóa thông tin người dân sử dụng?”, bạn đọc Nguyễn Duy băn khoăn.

Nguyễn Nhất Cường góp ý “Cái người dân cần không phải là thay đổi hộ khẩu giấy hay "hộ khẩu điện tử". Cái mà người dân cần là bãi bỏ những rắc rối do hộ khẩu gây nên. Chẳng hạn người ta muốn mua nhà, mua xe, lấy vợ, lấy chồng, cho con đi học,.... ở bất kỳ tỉnh thành nào cũng được".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn