MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy định riêng về đăng ký thường trú tại các thành phố lớn đang tạo ra sự bất bình đẳng. Ảnh Hải Nguyễn

Bỏ quy định riêng đăng ký thường trú: Ai tự hào “có hộ khẩu thủ đô"?

Bằng Linh LDO | 10/06/2020 16:58
Đã có thời, việc nhập hộ khẩu về thành phố là một khát vọng. Khát vọng ấy đi kèm với những điều được cho là ưu đãi như học hành của con cái, xác định bảo hiểm y tế, quyền lợi tài sản, hưởng thụ dịch vụ công… Khái niệm “có hộ khẩu thành phố” đã trở thành niềm tự hào.

“Một yêu a có Senko/ Hai yêu a có Pơ giô Cá Vàng/Ba yêu nhà cửa đàng hoàng/ Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô”. Câu cửa miệng một thời khẳng định giá trị của “hộ khẩu thủ đô”.

Cái hộ khẩu thủ đô như tấm thẻ bài phân định “trái tuyến” hay “đúng tuyến” và thường khi đã bị xếp vào hàng “trái tuyến” thì quá khó xin một chỗ cho con học trường công, hoặc phải đóng thêm một khoản phí tăng thêm.

Nó còn là câu chuyện vô lý: muốn có hộ khẩu thì phải có nhà, muốn có nhà thì phải có hộ khẩu. Chưa kể, biết bao nhiêu trường hợp người lao động làm ăn xa quê, muốn xác nhận liên quan đến hộ phẩu phải đi cả trăm km về quê xin cái dấu tạo ra rất nhiều phiền hà.

Năm 2017, người ta đếm có tới 39 thủ tục hành chính liên quan đến hộ khẩu. Sau một hồi cải cách vẫn còn tới 27 thủ tục mà buộc phải có sổ hộ khẩu.

Nói một cách chính xác thì không phải là “bỏ sổ hộ khẩu” mà chỉ là “khai tử sổ hộ khẩu giấy” để quản lý dân cư trên một hệ thống số hoá.

Nghĩa là hộ khẩu vẫn còn, nhưng cái cần bỏ mà rất nhiều người mong Quốc hội thông qua là bỏ các quy định riêng liên quan đến đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 20 Luật Cư trú hiện hành, công dân được được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên.

Riêng Hà Nội, còn căn cứ vào Luật Thủ đô có hiệu lực từ 2013, nghĩa là ngoài các điều kiện trong Luật Cư trú, phải thêm điều kiện phải tạm trú 3 năm trở lên… 3 năm tạm trú với không ít người tự coi là “vô thừa nhận” dù họ vẫn hàng ngày làm việc, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô.

Mục đích của các quy định riêng này là hạn chế tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn. Thực tế thì các quy định riêng về thường trú trong Luật Thủ đô không mang lại kết quả, chỉ ngăn người nhập hộ khẩu Hà Nội chứ không làm giảm lượng người nhập cư. Hiện Hà Nội có 1,2 triệu người đăng ký tạm trú.

Đó là chưa kể việc “áp dụng các quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013”- như nhận định của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tại Quốc hội.

Dù vẫn còn những lo lắng về nguy cơ nhập cư tự do, gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về an ninh, trật tự tại các thành phố lớn nhưng người dân, dù chỉ là tạm trú họ vẫn đóng các khoản phí, lệ phí, nộp thuế…như tất cả. Vậy thì vì lý do gì mà những người tạm trú, dân lao động tự do theo mùa vụ tại các thành phố lớn lại không được hưởng các dịch vụ giáo dục, y tế như người có hộ khẩu thường trú?

Đừng để “có hộ khẩu thủ đô” trở thành một đặc quyền, một sự “tự hào” đang hàng ngày tạo ra bất bình đẳng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn