MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp bỏ ra hơn 40 tỉ đồng để đấu giá tài sản phát mãi, trong đó có hơn 250ha đất trồng cây càphê sau 12 năm vẫn chưa được bàn giao thực địa. Ảnh: Hưng Thơ

Bỏ ra hơn 40 tỉ đấu giá mua tài sản phát mãi, 12 năm chưa được bàn giao?

HƯNG THƠ LDO | 06/01/2023 09:54

Quảng Trị - Sau 12 năm kể từ lúc bỏ ra hơn 40 tỉ đồng đấu giá mua tài sản do 2 ngân hàng phát mãi, người trúng đấu giá vẫn chưa được bàn giao tài sản trên thực địa.

Sau trúng đấu giá là đứng trên bờ vực phá sản

Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh (trụ sở tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) - cho biết, vào năm 2011, công ty tham gia đấu giá mua tài sản của Công ty TNHH MTV Vinacafe Quảng Trị (gọi tắt Vinacafe Quảng Trị) do các ngân hàng phát mãi.

Để đảm bảo tài sản đem ra đấu giá không có tranh chấp, ông Thành đề nghị các đơn vị liên quan phải tiến hành thanh lý các hợp đồng giao khoán mà Vinacafe Quảng Trị ký với các hộ dân.

Tháng 4.2011, việc thanh lý các hợp đồng giao khoán được thống nhất. Tháng 6.2011, Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh trúng đấu giá mua lại tài sản bán đấu giá của Vinacafe Quảng Trị với giá hơn 40 tỉ đồng. Trong đó, tài sản chính là 253ha cây càphê đang khai thác và nhà máy chế biến càphê quả tươi, văn phòng làm việc.

Sau khi trúng đấu giá, công ty của ông Thành chuyển cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Hướng Hóa hơn 24,6 tỉ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Trị hơn 15,4 tỉ đồng. Rồi nhận bàn giao và lập các thủ tục sang tên quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của các tài sản mua đấu giá.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh chỉ được bàn giao nhà máy chế biến càphê quả tươi và nhà văn phòng làm việc. Còn 253ha cây càphê đang khai thác (ở xã Ba Tầng và thị trấn Khe Sanh), quá trình bàn giao các hộ dân ký hợp đồng nhận khoán trước đây với Vinacafe Quảng Trị cản trở. Các hộ dân từng có hợp đồng nhận khoán với Vinacafe Quảng Trị cho rằng, họ bị lừa gạt chứ họ không ký biên bản thanh lý.

Vì người dân cản trở, nên sau 12 năm kể từ lúc trúng đấu giá, đến nay, Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh vẫn chưa được bàn giao tài sản là vườn cây càphê trên thực địa.

Không được bàn giao 253ha cây càphê, nên nhà máy không có nguyên liệu để hoạt động, phải bỏ hoang khiến người trúng đấu giá thiệt hại nặng nề. Ảnh: Hưng Thơ

12 năm, ông Thành đã tham gia không biết bao nhiêu cuộc họp, gửi văn bản đề nghị giúp đỡ từ địa phương lên Trung ương, nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong lúc đó, công ty phải gồng mình trả lãi ngân hàng cho số tiền mua tài sản đấu giá và chi phí sửa chữa nhà máy, nhà văn phòng làm việc. Đặc biệt, công ty thiệt hại nhiều về tài chính do tài sản mua đấu giá không đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh được. Nhà máy chế biến càphê quả tươi do không có nguyên liệu của diện tích 253ha cây càphê nên đóng cửa 12 năm nay.

“Kể từ lúc trúng đấu giá, nhưng không được bàn giao tài sản thực địa, công ty chúng tôi đứng trước bờ vực phá sản” - ông Nguyễn Văn Thành nói.

Ngân hàng nói đúng hết, vậy ai sai?

Theo ông Nguyễn Văn Thành, sau khi Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh thanh toán đủ tiền cho các đơn vị bán đấu giá tài sản, thì các đơn vị bán đấu giá tài sản phải có trách nhiệm bàn giao tài sản không có tranh chấp cho công ty.

Ông Nguyễn Văn Siêu - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Hướng Hóa - khẳng định, việc thế chấp và xử lý thế chấp tài sản của Vinacafe Quảng Trị hoàn toàn hợp lệ. Ảnh: Hưng Thơ

Dù vậy, khi phát hiện có tranh chấp, Công ty Cổ phần Cao su Khe Sanh đã nỗ lực giải quyết để đưa tài sản mua đấu giá vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.

Từ đó, ông Thành đặt câu hỏi, có hay không vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có dấu hiệu lừa đảo của các đơn vị bán đấu giá tài sản, khi các thông tin liên quan đến tài sản do các đơn vị bán đấu giá cung cấp cho công ty không trung thực?.

Ông Nguyễn Văn Siêu - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Hướng Hóa - nói rằng, khi phát mãi tài sản, chọn Công ty TNHH Định giá bất động sản và Đấu giá E-XIM tổ chức bán đấu giá. Và tài sản gồm đất, vườn cây càphê đang khai thác thuộc quyền sở hữu của Vinacafe Quảng Trị chứ không phải của người dân. Ông Siêu khẳng định, quá trình thế chấp và xử lý thế chấp tài sản của Vinacafe Quảng Trị hoàn toàn hợp lệ.

Diện tích cây càphê được đấu giá. Ảnh: Hưng Thơ

Tương tự, đại diện Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Trị cũng cho rằng, quá trình thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là đúng quy định. “Trách nhiệm phía ngân hàng về việc bán tài sản là không còn. Nhưng khi biết việc người trúng đấu giá vẫn chưa nhận được tài sản mua đấu giá, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp” - đại diện Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Quảng Trị nói.

Tìm hiểu được biết, sau khi đấu giá, 2 ngân hàng đã chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến 253ha càphê, nhưng chưa bàn giao thực địa nên chưa sang tên đổi chủ được.

Liên quan đến vụ việc trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng đã đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan xem xét, kiểm tra, giải quyết theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn