MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Mai trong một giờ học livestream. Ảnh: NVCC.

Bỏ tiền triệu đi học livestream

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/09/2023 06:30

Hơn 2 tháng kể từ khi gia nhập hội bán hàng trên mạng xã hội, chị Đào Mai vẫn không tăng được đơn hàng ngoài tệp khách hàng cũ, chị quyết định chi 3 triệu đồng đi học livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) với 6 buổi học.

Mở một cửa hàng bán quần áo ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, chị Đào Mai đã phải tính toán chi tiết đủ thứ, từ địa điểm thuê, tiền vốn, nguồn hàng và lượng khách nhất định...

Để có thể tự tin mở bán, chị đã chuẩn bị mọi thứ trong vài năm. Ngay khi còn là sinh viên, chị Mai làm thêm công việc bán quần áo thuê tại Thành phố Hà Nội. Mơ ước có một cửa hàng của riêng mình đã được chị ấp ủ từ lúc đó.

“Ban đầu, tệp khách hàng chủ yếu là người quen, người dân ở khu vực gần địa điểm bán. Doanh thu của cửa hàng không nhiều nhưng khá ổn định. Xu thế bây giờ là khách mua hàng online, tôi nghĩ cần đẩy mạnh việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok…” – chị Mai tâm sự.

Nói là làm, những ngày đầu tập tành bán hàng online, chị Mai cũng gặp nhiều lúng túng. Lượng đơn không nhiều, vẫn chủ yếu đến từ tệp khách hàng cũ.

Chị Mai đã “vỡ” ra nhiều điều để nâng cao kỹ năng bán hàng online khi đi học các khoá học livestream. Ảnh: NVCC.

Trong một lần đi du lịch ở Ninh Bình, vừa đặt chân đến tỉnh này, hàng loạt các nhà hàng, quán ăn, kinh doanh quần áo… nổi lên trên trang Facebook của chị. Lúc này, chị Mai mới giật mình nhận ra, cửa hàng của mình chưa có được sự quan tâm từ người dân trên địa bàn tỉnh nhà và các tỉnh lân cận.

Ngay lập tức, chị tìm hiểu khoá học bán hàng online và livestream trên nền tảng mạng xã hội. Được học miễn phí một vài buổi, chị Mai càng tìm hiểu lại càng thích thú việc phát triển các kỹ năng liên quan. Song, để livestream chuyên nghiệp hơn, chị đăng ký liền 6 buổi học livestream với học phí 3 triệu đồng.

“Tôi được dạy các kĩ năng giao tiếp với khách hàng, kỹ năng quay, dựng video… Tôi khá bất ngờ khi thấy cả những người bán cơm hộp cũng đi học livesteam, bán hàng online. Mục đích của các thành viên lớp học cũng chỉ là để nâng doanh thu bán hàng” – chị Mai cho hay.

Sau khoá học, tuy lượng khách hàng chưa thực sự tăng vọt nhưng chị đã học hỏi được nhiều kỹ năng đặc biệt là việc tạo hình ảnh, quay, dựng video… thu hút người xem. Ngoài tệp khách hàng cũ, chị cũng có nhiều khách hàng mới trên mọi miền đất nước.

Là người “giỏi ăn nói” khi giao tiếp xã hội, song anh Phùng Quang Anh (24 tuổi, Hải Phòng) lại thất bại khi livestream. Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, anh cũng từng đi dẫn một vài chương trình sự kiện nhỏ.

Anh Quang Anh cho biết, khó khăn lớn nhất của anh là chuyển từ cách dẫn chương trình sang người bán hàng. Hai công việc này tưởng chừng giống nhau nhưng lại có rất nhiều điểm khác nhau.

“Khi dẫn chương trình, tôi luôn dùng ngôn ngữ trang trọng, giọng nói rõ ràng mạch lạc và tự tin. Livestream cũng cần sự rõ ràng, mạch lạc nhưng người bán hàng lại phải dùng ngôn ngữ gần gũi, đời thường, làm sao để khách hàng móc hầu bao ra mua hàng” – anh nói.

Còn chị Hoàng Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, khi học livestream, chị nhận ra mình gặp khó trong việc liên tục duy trì sự tương tác với khách hàng. Bởi, chỉ nói chuyện khoảng 30 phút, chị đã thấy thấm mệt và cạn kiệt câu chuyện, ý tưởng.

“Khi đi học, tôi mới “vỡ” ra nhiều điều. Ngoài chuẩn bị sức khoẻ, người livestream cũng phải có một năng lượng tích cực và sự khéo léo để chốt đơn vào giữa, cuối phiên live” – chị Linh cho biết.

Ngoài ra, việc xử lý các tình huống bất ngờ như các câu hỏi, bình luận tiêu cực từ phía khách hàng cũng thể hiện trình độ của người bán. Lượng đơn hàng “nổ” mỗi buổi là tổng hợp của nhiều kỹ năng livestream cùng với sự kiên trì, ham học hỏi từ người bán trên các nền tảng này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn