MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đổi mới hình thức, nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp giúp HS chủ động tiếp nhận kiến thức (ảnh minh họa)

Bộ trưởng ơi, dạy nghề phổ thông, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp sẽ đi về đâu?

Đỗ Tấn Ngọc LDO | 28/05/2016 07:35
Nội dung ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp và nghề phổ thông là những hoạt động, môn học mang tính chất bắt buộc ở bậc THPT hiện hành. Mục tiêu của nó cung cấp, hình thành cho học sinh những kiến thức, giá trị cơ bản về xã hội, đất nước, dân tộc, về ngành nghề…từ đó giúp các em có được kỹ năng cần thiết, vận dụng vào thực tiễn đời sống

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hai Hoạt động ngoài giờ lên lớp và Hướng nghiệp mỗi tháng chỉ có thời lượng là 3 tiết, còn môn nghề phổ thông có thời lượng là 105 tiết, hoàn thành xong chương trình tổ chức thi để lấy chứng chỉ nghề phổ thông, thành điểm khuyến khích tham gia vào kết quả xét tốt nghiệp THPT.    

Do Bộ GD và ĐT không quy định cụ thể về hình thức, tổ chức thực hiện  hai hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp nên mỗi địa phương, từng đơn vị trường học có cách thức triển khai khác nhau, nơi thì thành lập ban riêng, nơi thì giao cho Đoàn thanh niên, chỗ thì đưa về cho giáo viên chủ nhiệm.    

Ở môn học nghề phổ thông, thời gian trước đây, các trường thường hợp đồng, giao cho các Trung tâm hướng nghiệp nghề dạy giúp, mấy năm nay thì các Sở GD và ĐT yêu cầu tất cả đơn vị  phải tổ chức dạy và thi nghề phổ thông tại trường, vì đây là trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Kể từ năm 2006 đến nay, hầu hết các trường THPT, thầy cô giáo bậc học này rất đau đầu, nhức mình, với nhiều nỗi khổ nhọc không thể diễn tả hết được khi tổ chức thực hiện mấy hoạt động, môn học trên. 

Xét về mục tiêu của hai hoạt động ngoài giờ lên lớp và hướng nghiệp là rất tốt, rất cần thiết cho học sinh phổ thông hiện nay. Thế nhưng khi đi vào thực tế, tổ chức thực hiện thì nhiều nhà trường, địa phương lại gặp vô vàn khó khăn, hạn chế. 

Thứ nhất là về phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất giành cho nó dường như không có gì, trong điều kiện kinh phí nhà nước rót về hàng năm khá eo hẹp, chỉ đủ chi trả lương, sửa chữa nhỏ và tổ chức được các hoạt động nhỏ. Thứ hai là về yếu tố đội ngũ thầy cô giáo chưa đáp ứng được yêu cầu, họ dạy các môn văn hóa khác, sau mấy ngày đi tập huấn, họ bị “bắt cóc” sang tổ chức mấy hoạt động này trong trạng thái bất đắc dĩ. Phương tiện còn nghèo nàn, con người chắp vá, kiêm nhiệm, tạm bợ, thiếu căn cơ…dẫn đến thực trạng thấy rõ, chất lượng, hiệu quả của mấy hoạt động này lâu nay rất kém cỏi, hiếm có nơi nào duy trì và tổ chức tốt. Cấp trên khi về thanh, kiểm tra cũng thấu hiểu “cái khó” của nhà trường, giáo viên về mấy thứ “ phụ” này nên thường nhẹ nhàng, “cho qua”… 

Gặp và trao đổi với nhiều thầy cô giáo đang dạy mấy nội dung, hoạt động này, họ đều có chung suy nghĩ:” Nhiều năm qua, giáo viên chúng tôi thật sự bị hành hạ, tra tấn, khổ sở bởi cái tên hoạt động ngoài giờ lên lớp  và hướng nghiệp và môn nghề phổ thông. Thời lượng hoạt động và môn học nghề không nhiều nhưng chúng tôi chẳng thể nào tổ chức, dạy cho hết thời gian theo quy định. Toàn dạy chay, dạy được 1 đến 2 tiết là đã hết sạch nội dung, thầy, trò thường ngồi chơi, nói chuyện, cố giữ học sinh đến khi trường có trống bãi hoặc tìm cách cho về sớm.  

Cấp trên, nhà trường cũng không thể đòi hỏi, mong đợi nhiều ở chúng tôi được, vì đây là hoạt động, môn học dạy kiêm nhiệm, nhiều giáo viên đầu tư giáo án sơ sài, vì điều kiện kinh phí dành cho nó còn quá hạn hẹp. Về phía học sinh cũng rất mệt mỏi, ngao ngán khi tham gia mấy hoạt động, môn học này do nhà trường, thầy cô giáo tổ chức, giảng dạy thiếu bài bản, chất lượng.” Là người phụ trách trực tiếp mấy hoạt động trên, bản thân tôi từng phát “ hoảng” khi dự giờ giáo viên dạy Nghề phổ thông, hoạt động ngoài giờ lên lớp. 

Khảo sát chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD và ĐT đã ban hành và đang lấy ý kiến giới chuyên gia, thầy cô giáo và dư luận, chúng tôi nhận thấy ở bậc THPT không còn cái tên Hoạt động ngoài giờ lên lớp và Hướng nghiệp và môn học nghề phổ thông nữa.  

Rất có thể, hai hoạt động đó sẽ được tích hợp, lồng ghép trong môn học Công dân với Tổ quốc và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Chúng tôi đồng tình với những cải tiến, đổi mới của Bộ GD và ĐT được thể hiện qua chương trình GDPT tổng thể sẽ thực hiện đại trà từ năm học 2018-2019, khi mà chương trình cải cách và phân ban hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, đất nước và bản thân nền giáo dục trong xu thế hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, chúng tôi - những người ở cơ sở, hiện thực hóa chương trình ấy-có chung một nỗi lo, về lý thuyết, về mục tiêu từng môn học, hoạt động thì rất tuyệt vời, khoa học thế nọ, thế kia nhưng lại kém khả thi trong quá trình triển khai, khi mà nền móng cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực, đội ngũ giáo viên của nhiều địa phương, trường học vẫn trong tình trạng èo uột, yếu kém, chuẩn bị chưa tốt. 

Chúng tôi thiết nghĩ, Bộ GD và ĐT, các vị soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới, muốn đổi mới, cải tiến thành công, toàn diện thì phải xuất phát từ cơ sở, nhìn thẳng vào thực tế để có những quyết sách, lộ trình chuẩn bị thật sự chu đáo, căn cơ. 

Còn cứ sản sinh cái mới như Hoạt động ngoài giờ lên lớp, học nghề và môn học nghề phổ thông, rồi lại đem “ con bỏ ngoài chợ”, mặc cho ai làm kiểu nào cũng được thì rất tội nghiệp, đáng thương cho học sinh, thầy giáo, nhà trường.    

Chúng tôi đề nghị vị tân Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cần dành thời gian tìm hiểu thực trạng của mấy hoạt động trên để có giải pháp, điều chỉnh phù hợp, để nó có “ sức sống”, tầm ảnh hưởng tích cực đối với việc giáo dục toàn diện học sinh chúng ta.    

ĐỖ TẤN NGỌC Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh-Quảng Ngãi  

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn