MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
65 tuổi, ông Hùng vẫn phải chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh. Ảnh: Lan Phương.

Bỏ việc để làm lái xe ôm công nghệ, tài xế lại rơi vào vòng quay ế cuốc

LƯƠNG HẠNH LDO | 11/11/2023 08:52

Từng bỏ công việc làm công nhân khu công nghiệp để chạy xe ôm công nghệ, hy vọng tăng thu nhập, kiếm thêm tiền gửi về hỗ trợ gia đình, anh Bình không khỏi chán nản khi vòng quay bánh xe không bằng số lần anh thở dài thườn thượt đợi khách vì quá ế cuốc.

Cuối năm 2022, anh Lương Văn Bình (SN 2002, quê Thanh Hoá) liên tục bị giảm giờ làm. Anh Bình kể lại, trước kia, công ty nhiều việc, thu nhập của anh có tháng lên đến cả chục triệu đồng. Dịch COVID-19 đã khiến tình hình kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng, công nhân thường xuyên phải tan làm sớm, không được tăng ca, làm thêm. Để trang trải cuộc sống, anh Bình đã phải tìm công việc khác cải thiện thu nhập.

“Ban đầu việc tôi chạy xe ôm là chỉ ứng phó lúc không có việc làm. Khi công ty chuẩn bị cho nghỉ dài ngày, không hưởng lương nên tôi và vài người khác đã xin nghỉ hẳn, chuyển sang chạy xe ôm cả ngày", anh Bình nói.

Việc chạy xe ôm công nghệ với anh Bình khá ổn định, cho mức thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/tháng, khá hơn hẳn so với việc làm công nhân khu công nghiệp. Song, cho đến khoảng giữa năm 2023, lượng khách sụt giảm trong khi lượng người tham gia công việc này ngày một tăng.

Dãy trọ công nhân nơi anh Bình từng sinh sống. Ảnh: Lương Hạnh

“Chiết khấu giữa công ty và tài xế mỗi năm đều tăng dần. Hiện tại, chiết khấu đã lên đến gần 40%. Nếu trừ mọi chi phí xăng xe, ăn uống thì tôi chỉ nhận về khoảng 50% số tiền thực nhận cho mỗi chuyến xe” – anh Bình tâm sự.

Năm nay đã 65 tuổi nhưng ông Đinh Văn Hùng vẫn phải chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh. Ngày may mắn đông khách, ông kiếm được 15-20 cuốc xe, ngày ít khách, ông chỉ kiếm được 3-4 cuốc. Thu nhập trung bình tháng của ông Hùng khoảng từ 4.500.000 đến 5.000.000 đồng, trừ tiền trọ, phí xăng xe, ăn uống thì không còn lại bao nhiêu. Để có thể gửi về quê lo cho gia đình, người đàn ông làm tài xế xe ôm đã phải sống rất tằn tiện.

“Công việc vất vả, trời nắng mưa. Do tình hình kinh tế, con cái thu nhập thấp, nên tôi phải cố gắng làm thêm để đỡ đần con, lo chi phí bản thân” – ông Hùng tâm sự.

Chỗ tụ tập của những người chạy xe ôm công nghệ khu vực Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) đông đúc hơn bao giờ hết. Ngoài cái nhìn ngán ngẩm và tiếng thở dài thườn thượt, anh Nguyễn Bá Hưởng chỉ biết lướt mạng xã hội chờ đến khi có khách đặt xe.

“Tôi thấy các tài xế nói chuyện với nhau thì thấy mỗi ngày có khoảng 100-150 đăng ký tài xế mới nên giảm bớt thu nhập. Các hãng cạnh tranh nhiều quá nên thu nhập không đều"– anh Hưởng chia sẻ. Nam tài xế cho biết hiện tại, làm tài xế xe ôm cũng chỉ đủ để chi tiêu cho cá nhân.

Từng là công việc đem lại thu nhập ổn định, thậm chí ở mức cao, nhưng hiện nay nhiều tài xế xe ôm công nghệ khá ngán ngẩm vì quá ế cuốc, kiếm tiền không đủ lo cho bản thân và gia đình.

Trong quý IV/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo một số ngành có xu hướng giảm việc làm như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác…, từ đó có thể kéo tăng số lao động thất nghiệp và số hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tới.

Tình trạng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng cũng phần nào có nguyên nhân từ tình trạng doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, thu hẹp hoạt động, thậm chí tạm ngừng hoạt động, dẫn đến phải cắt giảm lao động vừa qua.

Theo một nghiên cứu giữa Tổng LĐLĐVN và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng công bố vào cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 200 nghìn lái xe công nghệ của Grab, có mặt ở 46 tỉnh, thành. Trong đó, 26% lái xe công nghệ của Grab có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Nhiều tài xế chạy xe công nghệ cho biết, mức chiết khấu cố định hiện tại của tài xế GoRide là 30%, GrabBike là 31% còn beBike không niêm yết cụ thể khoản thu này, nhưng dao động trên dưới 39%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn