MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bức tranh kinh doanh xăng dầu: Lớn sống khỏe, nhỏ xuống sức

Anh Tuấn LDO | 03/09/2024 12:30

Cùng chịu ảnh hưởng của biến động giá dầu, nhưng các doanh nghiệp lớn về xăng dầu đạt mức lợi nhuận lớn còn các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ảm đạm.

Trong văn bản giải trình báo cáo tài chính sau soát xét 6 tháng năm 2024, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 1.530 tỉ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa đầu năm nay cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) - đơn vị sở hữu 2.200 cửa hàng xăng dầu (bao gồm 700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 1.500 cửa hàng xăng dầu đại lý) cũng có báo cáo lợi nhuận hợp nhất trước thuế của doanh nghiệp trong 2 quý đầu năm đạt 390 tỉ đồng, vượt 6% kế hoạch; doanh thu hợp nhất đạt 64.000 tỉ đồng, vượt đến 54% kế hoạch của 6 tháng.

Ở nhóm công ty có quy mô nhỏ, tình hình kinh doanh rất ảm đạm. Sức nóng của việc cạnh tranh trên thị trường, cùng với những yêu cầu khắt khe về điều kiện hoạt động khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang dần từ bỏ "cuộc chơi".

Trong khi các doanh nghiệp lớn về kinh doanh xăng dầu vẫn làm ăn tốt thì một số doanh nghiệp nhỏ lại chọn cách rời thị trường. Ảnh: Nguyễn Văn

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, công ty ông và nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác thường xuyên thua lỗ do chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho doanh nghiệp bán lẻ rất thấp, thậm chí âm nếu tính các chi phí vận chuyển, nhân công...

Do vậy, nhiều cửa hàng xăng dầu đã phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ. Trước đây, các doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước có khoảng 12.000 cửa hàng xăng dầu, đến nay chỉ còn chưa tới 8.000.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối lại liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ, như Petrolimex chưa tới 2 năm đã có thêm hơn 2.500 cửa hàng (nâng lên tổng số 5.500 cửa hàng), PVOIL cũng mở gần 1.000 cửa hàng, nâng mạng lưới lên gần 2.200 cửa hàng.

Để thị trường xăng dầu vận hành trơn tru, ông Thắng kiến nghị cần tách bạch các mức thương nhân đầu mối - thương nhân phân phối, đại lý và cửa hàng độc lập kê khai, hạch toán thuế.

Điều này nhằm đảm bảo thể hiện đúng, đủ các chi phí và lợi nhuận của từng khâu trong hệ thống của thương nhân đầu mối nhằm chống chuyển giá, trốn thuế.

Theo Bộ Công Thương, có tới gần 20 doanh nghiệp xăng dầu đề nghị trả lại giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu từ đầu năm đến nay. Lý do là họ không duy trì được đủ điều kiện hoạt động nên chủ động trả lại giấy phép, vẫn kinh doanh xăng dầu dưới hình thức đại lý, cửa hàng bán lẻ hoặc đi kinh doanh lĩnh vực khác.

Mặc dù Bộ Công Thương lý giải việc tham gia và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp là bình thường, song với số lượng lớn doanh nghiệp tự trả lại giấy phép trong 6 tháng đầu năm nay, không ít thương nhân kinh doanh xăng dầu băn khoăn về việc quản lý, cấp phép trong thời gian qua. Bởi từng có thời điểm, số lượng thương nhân phân phối xăng dầu nở rộ lên tới gần 350 doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn