MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không hiếm hình ảnh người ăn xin trên cầu đi bộ khu vực Giải Phóng - Lê Thanh Nghị. Ảnh: Minh Thiện.

Bức xúc vấn nạn lấn chiếm cổng bệnh viện

THIỆN HOÀNG LDO | 14/03/2021 09:39

Sau những ngày giãn cách xã hội, tình trạng lấn chiếm các công trình công cộng lại tiếp diễn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Rất nhiều hàng quán, ăn xin hoạt động quanh khu vực này khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.

This browser does not support the video element.

Hàng quán, ăn xin "bủa vây" cầu vượt bộ hành.

Hàng ngày, trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, lượng người dân qua lại trên cây cầu bộ hành bắc ngang đường Giải Phóng, Lê Thanh Nghị khá đông. Lối đi vốn đã nhỏ nhưng thường xuyên xuất hiện không ít hàng quán và người ăn xin.

Không hiếm gặp người ăn xin trên cầu đi bộ khu vực Giải Phóng - Lê Thanh Nghị. Ảnh: Minh Thiện.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực này xuất hiện nhiều gánh hàng rong bày bán bánh mì, đồ chơi, đồ tạp hóa tại hai đầu cầu. Bên trong cầu luôn có người ngồi la liệt cùng dòng chữ “bị mắc bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa”, đặt cạnh là chiếc rổ đựng tiền lẻ mà người đi qua bỏ vào. Chưa kể, những biển quảng cáo được treo lên lan can, đồ ăn, rác khắp mặt cầu khiến cây cầu càng thêm nhếch nhác.

Tình trạng này sẽ tiếp diễn tới khoảng 10h sáng, hoặc cho tới khi có lực lượng chức năng phát loa tuyên truyền, “dọn dẹp” các hàng quán tạm bợ để trả lại không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, nếu không có lực lượng túc trực, mọi thứ đâu lại vào đấy.

Hàng quán mở bán tràn lan khu vực đường ray trước cổng bệnh viện. Ảnh: Hoàng Trần.

Bức xúc trước tình trạng này, anh Nguyễn Hữu An (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Hành vi lấn chiếm tại các cầu bộ hành ở Hà Nội không phải là hiếm, thế nhưng lấn chiếm cả dưới chân lẫn bên trong cầu thì chỉ có ở trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Người qua lại đông đúc, mùi thức ăn nồng nặc làm tôi cảm thấy rất khó chịu mỗi lần đi qua đây”.

Cùng chung quan điểm, chị Lê Thị Châu (Lạng Sơn) đang khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Không gian không quá lớn lại còn bị lấn chiếm khiến cho cây cầu trở nên ùn tắc. Bên trong cầu khá tối nên mỗi lần đi qua tôi rất sợ bị móc túi. Điều này gây ấn tượng không đẹp cho những người ở xa đến Hà Nội như tôi".

Lực lượng chức năng chưa quyết liệt xử lý

Không chỉ tại khu vực cầu bộ hành mà ngay tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều hàng ăn, quán nước mọc lên tràn lan, người dân ăn uống trên cả khu vực đường ray tàu hỏa. Theo quan sát, khu vực này có lắp đặt biển cấm bán hàng, lực lượng chức năng thường đi kiểm tra giám sát vào khoảng 10 giờ sáng mỗi ngày. Dù vậy, tất cả chỉ dừng lại ở mức cảnh báo chứ chưa quyết liệt xử lý.

Lực lượng chức năng vẫn chưa giải quyết được tình trạng chợ “cóc” trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Trần.

Anh Chu Hoàng An (tài xế taxi Mai Linh) bất bình: “Hàng quán tại khu vực này gây cản trở việc ra vào bệnh viện rất nhiều. Cảnh sát vẫn thường xuyên có mặt tại đây chủ yếu để giải tỏa ách tắc giao thông nhưng chỉ được một lúc rồi mọi thứ lại như cũ”.

Không chỉ khiến ùn tắc giao thông, hành vi này còn gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, mất an ninh trật tự khu vực. Thậm chí, các hàng quán còn là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 do tiếp xúc gần với người dân ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Chính vì vậy, lực lượng chức năng và Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cần sớm can thiệp để đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng.

Theo Mục 1, Điều 49, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trong cầu, hầm dành riêng cho đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ;

b) Vượt tường rào, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với khu vực xung quanh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn