MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin phản ánh về quán "bún chém" trên Facebook đã giúp cơ quan chức đăng điều tra, xử phạt quán này 750.000 đồng. Ảnh: Facebook nhân vật.

“Bún chém” đoàn cứu trợ: Thiếu đạo đức kinh doanh, thiếu cả tình người

Thế Lâm LDO | 25/10/2020 17:05
Đoàn cứu trợ đồng bào lũ lụt, ăn sáng tại một quán bún ở thành phố Hà Tĩnh, bị “chém” 50.000 đồng/tô, trong khi giá bán cho những khách khác chỉ 30.000 đồng.

Sự việc được phản ánh trên Facebook. Sau đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh xác minh làm rõ, và đã tiến hành xử phạt quán bún Thu H. số tiền 750.000 đồng vì không niêm yết giá bán.

Tình trạng bán hàng với giá “chặt chém” không phải là hiếm. Song, “bún chém” đối với khách là đoàn cứu trợ đồng bào vùng lũ Hà Tĩnh, là địa phương nơi quán bún trên kinh doanh, càng khiến dư luận bất bình.

Bởi vấn đề của quán “bún chém” không chỉ là thiếu đạo đức kinh doanh mà còn thiếu tình người. Tình người mùa bão lũ, các nơi quyên góp về Hà Tĩnh cứu trợ, thì sao lại đi “chặt chém” đoàn cứu trợ từ giá một tô bún. Mỗi tô chênh giá so với bình thường là 20.000 đồng.

Nhưng vấn đề không chỉ là số tiền thu thêm trên mỗi bát bún bán cho đoàn cứu trợ, mà còn là một tệ nạn, xảy ra không ít từ trước đến nay, đặc biệt là tại các địa phương du lịch, vào những mùa nghỉ dưỡng. Nhiều quán xá, nhà hàng, dịch vụ thường hay “xem mặt để chặt chém” du khách.

Có thể nói, đây là một “căn bệnh” thâm căn cố đế, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ ăn uống, du lịch tại Việt Nam. Nạn nhân, không chỉ một hay hai đoàn cứu trợ, mà còn là nhiều du khách, trong đó có cả những khách Tây đến Việt Nam lần đầu.

Họ gặp những cú sốc “chặt chém”, về viết lên các trang tin, báo chí về du lịch, khiến ngành du lịch Việt Nam bị mang tiếng xấu lây vì “con sâu làm rầu nồi canh”.

Trở lại với trường hợp quán “bún chém” đoàn cứu trợ đồng bào lũ lụt, còn cho thấy kiểu kinh doanh chụp giật, lợi dụng tình hình để trục lợi và tham lam, không chỉ đáng bị xử phạt mà còn đáng bị tẩy chay.

Trên thực tế có không ít trường hợp quán ăn có niêm yết giá, nhưng nếu thực khách vào quán không dò hỏi cẩn thận vẫn bị nâng giá với rất nhiều lý do khiến thực khách không thể không trả.

Nhiều đoàn thực khách vì không muốn bị phiền nhiễu, rầy rà nên để cho qua, coi như một trải nghiệm không vui nhưng về sau sẽ “cạch mặt”.

Tuy nhiên ngày nay, với sự lan tỏa mạnh của mạng xã hội, giúp cho những vụ bán hàng “chặt chém”, những nạn nhân của những hàng quán kiểu “bún chém” có thể đưa vấn đề lên mạng chia sẻ, cảnh tỉnh với đông đảo người tiêu dùng, qua đó cũng gián tiếp cung cấp cho các cơ quan chức năng thông tin, bằng chứng để điều tra làm rõ và xử lý tới nơi tới chốn.

Dư luận cho rằng, quán bún chém đoàn cứu trợ đồng bào lũ lụt chỉ bị phạt 750.000 đồng là còn quá nhẹ, kém tính răn đe, có thể do quy định về mức phạt hoặc mức phạt theo quyết định xử phạt của cơ quan chức năng.

Chính vì thế, cần có chế tài mạnh hơn, phạt nặng và thậm chí rất nặng, đối với những hàng quán kinh doanh kiểu “bún chém”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn