MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải mang đơn ra nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình mua từng bơm tiêm, cuộn chỉ. Ảnh: Trung Du

BVĐK tỉnh Thái Bình: Bệnh nhân phải tự đi mua kim tiêm, dây truyền

TRUNG DU LDO | 03/06/2022 19:53
Thái Bình - Thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã, đang diễn ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế, thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải đi mua từ cây kim, sợi chỉ, bông gạc hay bơm tiêm, dây truyền... ở nhà thuốc trong bệnh viện.

Khi đơn thuốc kê toàn kim tiêm, dây truyền

Vừa qua, theo ghi nhận của PV Lao Động, có khá nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi phải đến thăm khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã kêu ca, phàn nàn về việc tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hàng đầu này từ nhiều tháng qua không có vật tư, sinh phẩm tối thiểu, thông thường để phục vụ nhu cầu của người bệnh. Từ những vật dụng, dụng cụ nhỏ nhất như bơm tiêm sử dụng 1 lần, kim chỉ khâu, dây truyền, bông gạc, găng tay y tế..., bệnh nhân đều được các bác sĩ khám, điều trị kê vào đơn thuốc hướng dẫn ra mua ở nhà thuốc bệnh viện.

Chị Đ.H - một người nhà bệnh nhân tại tỉnh Thái Bình - phản ánh: "Hôm trước, em có lên thăm người thân ốm nằm trong Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Trong lúc thăm, em có được bác sĩ kê danh sách đi mua các loại thuốc, trong đó có kim lấy thuốc, kim tiêm, kim truyền. Em hơi ngạc nhiên vì các thứ đó đã nằm trong bảo hiểm, tuyến Trung ương không bắt bệnh nhân mua mà sao tuyến tỉnh lại yêu cầu bệnh nhân mua?".

"Em có hỏi tất cả người nằm trong Khoa Nội tiết, họ nói đều phải bỏ tiền ra mua. Tuy rằng số tiền dùng để mua những thứ này chỉ từ 100.000 đồng - 200.000 đồng thôi nhưng số lượng hàng nghìn bệnh nhân mỗi tháng thì cũng đáng có chuyện để nói" - chị H bày tỏ nghi ngại.

Một số phản ánh, thắc mắc của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Ảnh chụp màn hình

Kèm theo nội dung phản ánh, chị H cung cấp ảnh chụp một số đơn thuốc được kê bởi bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Đơn cử như đơn thuốc ngày 20.5, bệnh nhân phải mua ngoài 10 chiếc bơm tiêm sử dụng 1 lần loại 10ml/cc hiệu TANAPHAR, 20 kim tiêm hiệu TANAPHAR. Đơn thuốc đề ngày 23.5, bệnh nhân phải mua 16 bộ dây truyền dịch TANAPHAR, 20 chiếc bơm tiêm sử dụng 1 lần loại 1ml/cc hiệu TANAPHAR, 10 chiếc cùng hiệu loại 10ml/cc và 10 chiếc loại 5ml/cc. Trong các ảnh chụp đơn thuốc này, đều có điểm chung khi đơn thuốc nhưng không kê thuốc, hoàn toàn là vật tư tiêu hao, dụng cụ y tế.

Còn anh V.D - một bệnh nhân khác, cho biết: "Vừa nhập viện, vào Khoa Hô hấp, các bác ấy kê luôn cho cái đơn, bơm tiêm với 3-4 loại kim tiêm, dây truyền, bông gạc, găng tay... mang xuống hiệu thuốc mua đúng một bịch to".

"Đêm nhập viện chưa biết bệnh gì, trước mắt đã phải ra mua 1 lọ nước súc miệng, 1 hộp sữa kèm theo bơm tiêm, găng tay. Cho tôi hỏi cái găng tay và bơm tiêm sao lại bắt chúng tôi đi mua? Cũng là viện phí, tại sao lại không thu luôn trong đó?", anh M.T - một người nhà bệnh nhân khác thắc mắc.

Lỗi tại... đấu thầu, mua sắm chậm

Sáng ngày 3.6, PV Lao Động trực tiếp có mặt tại khu vực nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để ghi nhận, tìm hiểu về các phản ánh của một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân như đã nói ở trên.

Theo quan sát, nhà thuốc trung tâm của bệnh viện này luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải xếp hàng đợi đến lượt để được vào mua thuốc. 

 Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chen nhau mua thuốc, vật tư tiêu hao theo đơn bác sĩ kê. Ảnh: T.D

Bên cạnh các loại thuốc điều trị thông thường, nhiều người cũng phải xếp hàng để mua bơm tiêm, ống bơm cho ăn, chỉ khâu, bông gạc... là những vật tư tiêu hao, vật dụng tối thiểu thuộc danh mục được chi trả bảo hiểm.

Trò chuyện với PV, người nhà bệnh nhân N.Q.Ph. (70 tuổi, trú xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) cho biết, vừa mang đơn thuốc xuống để mua 1 bơm cho ăn hiệu TANAPHAR sử dụng 1 lần loại 50ml/cc với giá 5.000 đồng.

"Cứ khi nào bác sĩ kê đơn thì tôi lại chạy xuống mua cho người nhà dùng, rất bất tiện và mất thời gian nhưng biết sao được, bên trong khu điều trị không có. Mà cũng chẳng biết rằng mấy thứ này có nằm trong danh mục bảo hiểm chi trả không, sau khi chốt viện phí ra viện có được bệnh viện trừ đi hay không. Chỉ biết là bây giờ, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra mua về dùng theo chỉ định đã", người này nói.

 Người nhà bệnh nhân Ph. mua bơm cho ăn theo đơn thuốc bác sĩ kê. Ảnh: T.D

Làm việc với chúng tôi, dược sĩ Trần Văn Hà - Trưởng khoa Dược (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình) - xác nhận, một số ý kiến phản ánh của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là đúng.

"Thực ra, tình trạng thiếu vật tư tại bệnh viện đã diễn ra trong năm 2021 và kéo dài đến năm nay, nhưng không hẳn là lúc nào cũng thiếu. Nguyên nhân bởi do các thủ tục liên quan đến phê duyệt dự toán, thẩm định giá các loại thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất... thuộc danh mục đấu thầu, mua sắm tập trung vướng phải những quy định mới ban hành gần đây của Bộ Y tế chưa có được sự thống nhất, hướng dẫn cụ thể. Dẫn đến quá trình đấu thầu chậm trễ, gây ra tình trạng chưa mua được hàng nên thiếu hụt. Chúng tôi đang cố gắng nỗ lực đến cuối tháng 6 này sẽ hoàn tất thủ tục để có kết quả phê duyệt thầu", ông Hà nói.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc: Những vật tư tiêu hao, dụng cụ y tế thuộc phạm vi bảo hiểm thanh toán nhưng bây giờ người bệnh đang phải bỏ tiền túi ra mua ở bên ngoài để sử dụng, thì sau này có được trừ vào viện phí thanh toán khi ra viện hay không, ông Hà từ chối trả lời vì cho rằng không thuộc thẩm quyền, chuyên môn.

Trả lời PV Lao Động về câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Minh Chính - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình - cho biết: "Thực ra là vướng cả nước. Bệnh viện chúng tôi là đơn vị đấu thầu tập trung cho ngành, không phải đơn vị đấu thầu độc lập. Mà Sở Y tế sẽ thành lập ban chỉ đạo và các tổ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ ấy. Khi có khó khăn, vướng mắc ở phương diện bệnh viện thì chúng tôi báo cáo Sở để Sở báo cáo lại UBND tỉnh. Gần đây nhất, tỉnh mới tổ chức hội nghị bàn bạc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuộc ngành y tế. Đồng chí có thể liên hệ Sở Y tế để có thể nắm được nội dung, số liệu cụ thể".

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn