MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cá chép đỏ Thủy Trầm lũ lượt "vượt bể" tiễn ông Công, ông Táo

Tú Quỳnh LDO | 01/02/2021 10:21

Những mẻ cá chép đỏ Thủy Trầm đang được người nuôi xuất bán rầm rộ từ 19 tháng Chạp âm lịch, phục vụ Tết ông Công, ông Táo vào vài ngày tới.

Những ngày cận Tết, đặc biệt là ngày Tết ông Công, ông Táo, cá chép là loại cá được săn đón nhiều nhất. Đặc biệt, cá chép đỏ Thuỷ Trầm ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại càng được quan tâm hơn cả.

Theo ông Bùi Văn Chữ - Giám đốc Hợp tác xã Cá chép đỏ và Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm, làng nghề hiện có gần 250 hộ nuôi cá chép đỏ trên diện tích hơn 30ha; tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Tết Tân Sửu năm nay toàn làng nghề dự kiến cung cấp 40-50 tấn cá chép đỏ ra thị trường.

Cá chép đỏ Thủy Trầm được thu hoạch khi to khoảng 3 ngón tay, màu đỏ sắc. Ảnh: Hà Quân

Cá chép đỏ làng nghề Thuỷ Trầm có chất lượng tốt, màu đỏ sắc, mắt đen, thân không đốm nên nhu cầu mua tăng cao hơn so với các loại cá chép khác. Thu nhập từ bán cá chép đỏ gấp đôi, gấp ba so với trồng ngô, trồng lúa nên đời sống người dân khấm khá hơn trước.

Gia đình anh Trần Văn Tiếp (39 tuổi) đã có kinh nghiệp nuôi cá chép đỏ được 20 năm - cho biết, năm nay do mưa nhiều khiến nguồn cung cá bị giảm sút nên cá bán ra có giá cao hơn. Dựa trên mức giá đặt mua của khách từ 120.000 - 150.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thể thu lời trên dưới 200 triệu đồng.

Tết năm nay, bể nuôi nhà anh Trần Văn Tiếp có khoảng 3 tấn cá chép đỏ cung cấp ra thị trường. Ảnh: Hà Quân
Thời gian này, người nuôi cá chép đỏ Thuỷ Trầm bận rộn hơn trong việc chăm sóc và thu hoạch cá bán phục vụ Tết ông Công, ông Táo. Ảnh: Hà Quân

Hiện, cá xuất bán tại các bể nuôi của gia đình anh Tiếp đã được chốt đơn vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng.

Thông thường cá chép giống sẽ được tiến hành nuôi từ giữa năm. Người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.

"Để có cá bán đúng ngày 23 âm lịch, từ giữa tháng 6 tôi đã phải ép cá bố mẹ đẻ và ấp nở ra cá con vào đầu tháng 7. Cá con sẽ được nuôi với mật độ dày để khống chế độ lớn của cá. Nếu cá lớn quá nhanh sẽ có màu không được đỏ đậm, vây ngắn, như thế không đẹp, không được giá cao" - ông Hà Công Kỷ (chủ cơ sở nuôi cá) nói.

Giá cá chép đỏ Thuỷ Trầm năm nay tăng gấp đôi. Ảnh: Hà Quân

Trong những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá chép đỏ phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng nghề Thuỷ Trầm đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp. Nhờ đó, năng suất và sản lượng ngày một tăng.

Cá chép đỏ Thủy Trầm đã được chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Đây chính là căn cứ pháp lý khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn