MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các bước chuẩn bị giúp bạn thành công khi phỏng vấn xin việc

Thùy Chi ( Theo The Wall Street Journal) LDO | 11/04/2021 11:25

Dưới đây là một số bí kíp từ chuyên gia giúp bạn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng cho bất kỳ thử thách nào mà nhà tuyển dụng đưa ra trong buổi phỏng vấn xin việc.

1. Nghiên cứu trước về công việc

Đầu tiên bạn cần tìm hiểu xem vị trí mà mình sắp ứng tuyển yêu cầu những gì. Sau đó, hãy lập danh sách các lý do tại sao công việc này phù hợp với con đường phát triển sự nghiệp của bạn, chẳng hạn như các kỹ năng, kinh nghiệm và mối quan hệ bạn có được.

Việc nghĩ đến vị trí tuyển dụng này giúp bạn đạt được những gì là một cách tốt để bạn hào hứng với công việc đó, ngay cả khi đó không phải là công việc bạn mơ ước. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng trình bày lý do tại sao bạn muốn công việc này với nhà tuyển dụng và cho thấy sự nhiệt tình của bạn trong buổi phỏng vấn.

Một bước rất quan trọng khác đó là hãy xem hồ sơ của bạn và chọn ra phần phù hợp với yêu cầu công việc. Bạn có thể lập danh sách những thành tích đáng tự hào của bạn khi tham gia các dự án hoặc hoạt động nào đó ở nơi làm việc cũ, trường học hoặc bất kỳ cộng đồng nào để chứng tỏ bạn có các kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và gây ấn tượng với họ.

2. Chuẩn bị câu trả lời

Pamela Skillings, giám đốc điều hành của BigInterview.com, một trang web đào tạo phỏng vấn khuyên rằng hãy lập danh sách những “lỗ hổng” trong hồ sơ của bạn và chuẩn bị lời giải thích cho thiếu sót đó. Nếu trong hồ sơ của bạn có khoảng thời gian trống do thất nghiệp, hãy thay thế bằng những kỹ năng hoặc trải nghiệmmà bạn đã học được trong khoảng thời gian đó.

Với những câu hỏi kiến thức hoặc kinh nghiệm, nếu bản mô tả công việc đề cập đến bất cứ điều gì mà bạn không hiểu rõ, hãy đọc lại nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái khi thảo luận về nó.

Đối với những yêu cầu công việc mà bạn không có kinh nghiệm chuyên môn, bạn có thể nhắc đến những điều bạn đã làmđược tại nơi làm việc cũ để chứng tỏ bạn có các kỹ năng cần thiết. Còn nếu nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm quản lý mà bạn không có, hãy nhớ lại bạn đã từng là trưởng nhóm một dự án hoặc đã từng hướng dẫn đồng nghiệp nào khác chưa và nói điều đó với nhà tuyển dụng.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng về tất cả kinh nghiệm, kỹ năng mà bạn vẫn không thể lấp đi thiếu sót của mình, hãy thừa nhận điều này với nhà tuyển dụng và chuyển hướng nói về khả năng học hỏi, tiến bộ của bạn nếu như bạn là người được chọn.

3. Tập luyện trả lời phỏng vấn

Luyện tập giới thiệu bản thân là rất quan trọng. Ngay cả những giám đốc điều hành cấp cao, những người giỏi giao tiếp đôi khi cũng gặp khó khăn khi nói về bản thân, chuyên gia Skillings cho biết. Khi bạn không có ai để luyện tập cùng, hãy làm điều đó trước gương hoặc quay lại video chính bạn.

Nếu bạn cảm thấy không tự tin khi trình bày thành tích cá nhân, hãy tập trung nói tại sao các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn đáp ứng từng yêu cầu vị trí tuyển dụng. Khi tập luyện, bạn cần quan sát cách mình thể hiệnbản thân. Nếu có bất cứ điều gì khiến bạn trông không hoàn toàn thoải mái, tập luyện là lúc để giải quyết nó. Có thể đó là tư thế của bạn, hãy tập ngồi thẳng lưng. Còn nếu bạn nhận thấy mình có một thói quen gây mất tập trung như nghịch tóc hoặc bồn chồn, hãy cố gắng loại bỏ nó.

4. Chuẩn bị trước khi bước vào phỏng vấn

Bạn nên chuẩn bị trước một số câu hỏi để hỏi nhà tuyển dụng trong hoặc sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn.

Để giảm bớt sự căng thẳng, bạn có thể hình dung trong đầu mình viễn cảnh của một cuộc phỏng vấn thành công. Chuyên gia Skillings cho biết, nhiều vận động viên hàng đầu đã dùng cách này trước các trận đấu lớn để tập trung và suy nghĩ tích cực hơn. Bên cạnh đó, một số CEO cũng cho rằng kỹ thuật này đã giúp họ đạt được mục tiêu của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn