MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dự tuyển nâng ngạch công chức cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Các bước thi nâng ngạch công chức năm 2023

LƯƠNG HẠNH LDO | 24/05/2023 12:00
Để thi nâng ngạch công chức năm 2023, người dự thi phải chuẩn bị trước các bước gồm xác định điều kiện thi, chuẩn bị hồ sơ, tham gia thi...

Bước 1: Xác định điều kiện thi 

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019, công chức khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây thì được đăng ký dự thi nâng ngạch:

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch.

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn.

Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi.

Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức.

Khi công chức đủ điều kiện thì cơ quan quản lý công chức có trách nhiệm rà soát, xác định và lập danh sách công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch căn cứ vào số lượng chỉ tiêu nâng ngạch của cơ quan, tổ chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo Khoản 2 Điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP).

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thi

Hồ sơ thi nâng ngạch công chức được nêu chi tiết tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định 138/2020/NĐ-CP. Cụ thể gồm:

Sơ yếu lý lịch công chức (được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi nâng ngạch, có xác nhận của cơ quan quản lý, sử dụng công chức).

Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng công chức về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi.

Bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch dự thi. Riêng về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, công chức sẽ không phải nộp 2 loại giấy tờ nầy nếu đã có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học hoặc được miễn thi 2 môn này.

Các yêu cầu khác theo quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức dự thi.

Bước 3: Tham gia thi nâng ngạch công chức năm 2023

Hiện nay, theo quy định tại Điều 37 Nghị định 138/2020, công chức phải dự thi 4 môn khi muốn nâng ngạch công chức là môn kiến thức chung, môn ngoại ngữ, môn tin học và môn chuyên môn, nghiệp vụ.

Bước 4: Xác định người trúng tuyển

Ba môn thi kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học: Có số câu trả lời đúng từ 50% trở lên trừ trường hợp được miễn thi.

Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ: Đạt từ 50 điểm trở lên. Riêng nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp phải đạt từ 100 điểm trở lên trong đó điểm thi viết đề án và bảo vệ đề án phải đạt từ 50 điểm mỗi bài thi trở lên.

Kết quả được lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu nâng ngạch được giao. Tuy nhiên, nếu có từ 2 người trở lên có tổng kết quả điểm thi môn chuyên môn, nghiệp vụ bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì chọn người trúng tuyển nâng ngạch công chức theo thứ tự cụ thể.

Bước 5: Phúc khảo thi nâng ngạch công chức năm 2023

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thiện chấm thi, Hội đồng thi nâng ngạch công chức công khai trên trang thông tin điên tử hoặc cổng thông tin điện tử và gửi bằng văn bản đến cơ quan quản lý công chức về điểm thi để thông báo cho người dự thi.

Bước 6: Bổ nhiệm vào ngạch công chức mới

Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả, cơ quan quản lý công chức có công chức dự thi sẽ được thông báo kết quả thi và danh sách công chức trúng tuyển bằng văn bản.

Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách công chức trúng tuyển, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương cho công chức đã trúng tuyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn