MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháng 10.2023, lãnh đạo TP Hội An cùng hàng trăm người dân, du khách đã diễu hành chào mừng và rước giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu" ở Hội An. Ảnh: Hoàng Bin

Các Di sản văn hóa cần điều kiện để phát huy hơn là Giấy chứng nhận danh hiệu

Thanh Hải LDO | 23/02/2024 12:17

Các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng tiếp tục được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận hàng loạt Di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công, mỹ nghệ như "Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm", "Nghề thủ công truyền thống làm nhà tre, dừa xã Cẩm Thanh" (Hội An); "Nghề làm bánh tráng Túy Loan" (Đà Nẵng)...

Chính quyền các địa phương hồ hởi loan tin, báo đăng đài đọc. Tuy nhiên, không còn cái không khí rộn vui, phấn khởi hoặc rầm rộ tổ chức lễ đón nhận, đóng kệ để khiêng "giấy chứng nhận" đi diễu hành đường phố - như cách của Hội An từng làm trước đây.

Bởi quá nhiều các "sản phẩm tinh thần", các nghề thủ công được công nhận là "di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trong đó hơn 500 di sản đưa vào danh mục công nhận. Chỉ cuối năm 2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố đến 30 "di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Ở Quảng Nam, người dân không nhớ, không biết hết các di sản văn hóa phi vật thể của quê hương mình. Các làng nghề như: Làm gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng và nghề khai thác yến sào Thanh Châu... và nay thêm nghề đan võng Cù Lao Chàm, làm nhà tre, dừa Cẩm Thanh. Chưa kể các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác là lễ hội, như Tết Trung thu ở Hội An, Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu người Cor, Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội Bà Phường Chào, Lễ hội Cộ Bà Chợ Được...

Di sản văn hóa phi vật thể trước hết là "sản phẩm tinh thần", gắn với cộng đồng, cá nhân hoặc vật thể. Chính vì vậy, trong số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, nếu liên quan đến ngành nghề nào đó, thì chỉ ghi nhận "nghệ thuật" của nghề đó. Như "nghệ thuật làm gốm của người Chăm", "nghệ thuật đờn ca tài tử"...

Sản phẩm tinh thần có được từ ngành nghề, cá nhân, vật thể đó phải gắn với không gian văn hóa, có giá trị lịch sử, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng... Đừng như "nghề làm nước mắm Nam Ô", sau khi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể năm 2020, đến nay vẫn loay hoay xin công nhận là "làng nghề truyền thống". Bởi nếu không đủ các cơ sở khoa học, các điều kiện để tạo thương hiệu, cấp chứng nhận làng nghề truyền thống, chỉ dẫn địa lý thì sản phẩm chưa thể vào được siêu thị, xuất khẩu, phát triển du lịch...

Di sản văn hóa, dù là vật thể hay phi vật thể, khi được công nhận là niềm tự hào của cộng đồng, địa phương. Nhưng đó không phải là sự vinh danh. Điều quan trọng là phải có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện để di sản ấy được bảo tồn, phát huy giá trị. Đặc biệt là duy trì được đời sống của di sản đó trong cộng đồng, tạo ra sinh kế bền vững cho cư dân.

Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người, nhưng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì phải đặc sắc, riêng có, thể hiện rõ bản sắc của cộng đồng chứ không phải na ná nhau, làng quê nào cũng có.

Công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhiều đến mức người dân không còn cảm giác tự hào, vui mừng đón nhận, không biết, không nhớ hết thì chẳng khác gì "Giấy chứng nhận gia đình văn hóa", buôn, làng, xã đến kiệt hẻm văn hóa... được công nhận đại trà như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn