MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh: NVCC

Các trường đại học có được phép thu tạm ứng học phí hay không?

Huyên Nguyễn LDO | 10/06/2021 10:33

Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết việc dạy học theo học chế tín chỉ, Nhà nước không quy định về thời điểm, thời hạn thu học phí mà việc này do các trường quy định. Tuy nhiên, các quy định cũng cần phù hợp với điều kiện của sinh viên.

Theo thông báo mới đây của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, để chuẩn bị cho việc đăng ký học tập theo hệ thống tín chỉ học kỳ I năm học 2021 - 2022, học viện tạm thu học phí với sinh viên. Mức thu trung bình sinh viên từ khoảng 5.140.000 đồng đến 5.480.000 đồng/học kỳ. Quy định này đã gây ra nhiều tranh luận.

Để làm rõ hơn về các quy định thu học phí, Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, chuyên tư vấn pháp luật về giáo dục cho biết, việc thu học phí đối với sinh viên đại học hiện nay vẫn được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Khi ban hành Nghị định này chỉ xác định áp dụng từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021, tuy nhiên, đầu năm 2020 đến nay, do dịch bệnh kéo dài, phương thức tổ chức dạy học có sự thay đổi… làm chậm quá trình dự thảo Nghị định thay thế. Vì vậy, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đang được cho phép kéo dài thời gian áp dụng đến khi có Nghị định mới thay thế.

Theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, trong trường hợp tổ chức dạy học theo niên chế thì học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu học sinh, sinh viên tự nguyện thì nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm.

Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo học chế tín chỉ, cơ sở giáo dục có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ, song tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học (Điều 13). Như vậy, đối với việc dạy học theo học chế tín chỉ, Nhà nước không quy định về thời điểm, thời hạn thu học phí mà việc này do các trường quy định.

Quy trình, thủ tục thu học phí do quyền tự chủ của từng trường nên sẽ khác nhau ở mỗi trường, phụ thuộc vào cách thức quản lý được lựa chọn phù hợp với phân khúc sinh viên của từng trường.

Về việc sinh viên không nộp học phí đúng thời gian quy định sẽ có thể xử lý như thế nào, bà Phụng cho biết theo Quy chế về công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, nếu sinh viên cố tình chậm nộp hoặc không nộp học phí theo quy định của nhà trường mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ, xử lý từ nhắc nhở, khiển trách đến buộc thôi học.

Theo Điều 38, Luật Giáo dục Đại học, nếu người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng (Điều 38).

Như vậy, trong quá trình học, nếu người học chậm nộp, không nộp học phí thì tuỳ theo nguyên nhân, mức độ vi phạm, mức độ lỗi…, nhà trường có thể bị xử lý kỷ luật ở các hình thức nhắc nhở, khiển trách, nặng thì buộc thôi học. Nếu đã học xong chương trình, đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học về học phí thì không được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cũng như không được cấp bằng tốt nghiệp.

Tuy nhiên, nếu có áp dụng các chế tài như trên thì người học đã trải qua một quá trình học, đã sử dụng cơ sở vật chất của trường, được tiếp nhận kiến thức từ giảng viên… nhưng không đóng học phí dẫn đến tình trạng khi áp dụng chế tài này thì gây lãng phí chất xám, thời gian và công sức của thầy cô và của chính các sinh viên.

Vì vậy, bên cạnh việc nhà trường cần có các quy định rõ ràng, hợp lý, khả thi…, cần tạo điều kiện về học phí cho những người học thực sự khó khăn thì việc nâng cao ý thức tuân thủ của người học cũng là rất cần thiết để các trường có điều kiện phát triển, phục vụ tốt hơn cho những người học chân chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn