MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người ùn ùn kéo đến hiện trường vây bắt Tuấn "khỉ" để livestream vào thời điểm đầu năm 2020. Ảnh cắt từ clip.

Các vụ livestream “ồn ào” diễn tiến tăng cấp độ ra sao trong những năm qua?

Thế Lâm LDO | 24/11/2021 16:26
Văn hóa livestream, nếu có thể nói như vậy, đã cho thấy bị lạm dụng, lợi dụng theo mục đích của những người thực hiện không ngừng “tăng đô” trong những năm qua.

Tháng 3.2016, Facebook bắt đầu mở tính năng Live cho người dùng Việt Nam. Những người dùng Việt ban đầu sử dụng tính năng này chủ yếu tập trung vào một số Facebooker là Influencer, dùng Live để phát một số sự kiện, chia sẻ những câu chuyện với người hâm mộ…

Song người Việt, với lượng người dùng Facebook cao thứ 7 thế giới, đã nhanh chóng bắt nhịp tính năng Live để đáp ứng các nhu cầu công việc và sở thích, từ livestream bán hàng, giao lưu với người hâm mộ, hay phát lại các sự kiện mình tham gia.

Livestream được không ít Facebooker nhận thức rằng sẽ giúp họ có thể câu view câu like, xu hướng livestream bắt đầu cho thấy sự thiếu lành mạnh, thậm chí nặng màu sắc tiêu cực.

Đơn cử “trào lưu” livestream đám tang nghệ sĩ. Còn nhớ năm 2019, đám tang của nghệ sĩ A.V tại một ngôi chùa ở Quận 10, đám đông streamer kéo đến chen lấn, tranh cãi nhau chỉ vì giành giật không gian livestream đám tang, gây ồn ào mất trật tự. Cho dù đã bị dư luận kịch liệt phê phán, nhưng tình trạng này lại tiếp tục tái diễn trong một số trường hợp đám tang khác của nghệ sĩ.

Không dừng lại ở đó, một “sự kiện” livestream gây xôn xao trong dư luận vào đầu năm 2020 là vụ truy bắt Tuấn “khỉ”. Cơ quan chức năng đã phải cảnh báo rằng, các phiên livestream đó có thể làm lộ bí mật công tác điều tra, gây khó khăn cho việc truy bắt tội phạm, đồng thời cũng xâm phạm tới bí mật đời tư của phía gia đình người thân nhà Tuấn “khỉ”, thông tin không đúng, gây nhiễu…

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 ập đến, làn sóng livestream lại dâng cao. Đặc biệt trong số những người thực hiện livestream có khá nhiều nghệ sĩ, người thì livestream bán hàng để “làm từ thiện” (theo cá nhân nghệ sĩ công bố), có nghệ sĩ thì livestream để quảng cáo thương mại. Hai nền tảng livestream chủ yếu là Facebook và YouTube.

Dư luận ngay sau đó phàn nàn rằng, trong các phiên livestream để bán hàng của một số nghệ sĩ, không ít cuộc quảng cáo cho sản phẩm kém chất lượng, rao bán hàng hóa không rõ xuất xứ, và đặc biệt là quảng cáo, bán hàng các loại thực phẩm chức năng bằng cách nói quá, sai sự thật, tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm chưa hề được cấp phép.

Nhưng đỉnh điểm là từ đầu năm 2021 tới nay, một số cá nhân livestream công kích, xúc phạm cá nhân, hoặc “ép cung” người khác.

Có những phiên livestream đã thu hút hơn 200.000 người xem tại một thời điểm, chỉ số này còn cao hơn so với một đài truyền hình có qui mô tầm trung tại thời điểm hiện nay.

Và,  vô hình chung, nhiều người xem nghĩ rằng, các nội dung livestream kia đều là những thông tin chính xác, và suy ra những người bị đề cập, bị streamer phê phán đều là đối tượng sai trái, thậm chí trở thành kẻ xấu, vi phạm pháp luật, cho dù họ chưa hề bị các cơ quan chức năng, tòa án phán xử là vi phạm, tội phạm.

Những phiên livestream có lượng người xem tại một thời điểm lên đến hàng trăm ngàn người đã tạo ra sự lan truyền, tác động khủng khiếp. Những người không xem được nghe kể lại, rồi cũng tin theo, tạo ra hiệu ứng lan truyền lớp trước và sóng sau ngày càng lan rộng.

Livestream không chỉ diễn tiến không ngừng tăng cấp độ mà còn tạo ra hiệu ứng đám đông rất phức tạp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn