MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động nghèo ở TPHCM nhận quà hỗ trợ trước giờ thành phố giãn cách. Ảnh: BN

Cách ly dân vùng dịch về địa phương ở khách sạn: Hợp lý nhưng chưa hợp tình

THUỲ TRANG LDO | 09/07/2021 12:51

Để về Đà Nẵng, người dân ở địa phương có dịch phải bỏ ra chi phí từ 15 đến 30 triệu đồng cho 21 ngày cách ly ở khách sạn 3 sao. Chính quyền thành phố đưa ra lý do rằng lực lượng y tế, công an đang quá tải, ở khách sạn đó mới đảm bảo phòng dịch… Về lý, Đà Nẵng có thể đúng nhưng còn về tình, đó chẳng khác nào dựng rào nhắc nhở bà con đừng về!

Ngày 9.7, sau một đêm nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, báo chí về giá của khách sạn mà UBND TP.Đà Nẵng bắt buộc người dân từ địa phương có dịch phải cách ly quá đắt đỏ, chính quyền thành phố đã đưa ra loạt lý giải.

Đó là vì nếu chọn khách sạn nhỏ thì giá phòng rẻ nhưng số phòng ít, không đủ điều kiện phòng chống dịch như không có hệ thống camera giám sát, không có bếp ăn, không thuê được nhân viên phục vụ. Ngoài ra, khách sạn nhỏ (10-20 phòng) nếu phục vụ cách ly thì lực lượng công an và y tế không có đủ để dàn trải trực.

Sở Du lịch còn cho biết, đối tượng phục vụ cách ly lần này không phải là đối tượng “giải cứu” nên Sở không thể vận động các đơn vị lưu trú giảm giá. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các ý kiến, đối với trường hợp đặc biệt thì Sở sẽ đề xuất thành phố xem xét đưa về khu cách ly tập trung.

UBND TP.Đà Nẵng tối 8.7 cũng phát đi thông tin lý giải rằng các khu cách ly tập trung thành phố đang quá tải nên mới quyết định để người từ vùng dịch về cách ly ở khách sạn và trả toàn bộ chi phí.

Những lý giải của Đà Nẵng rất rõ ràng, kịp thời là hợp lý. Thế nhưng về tình thì với người dân vẫn còn những dấu hỏi lớn.

Tại sao người lao động thất nghiệp muốn về quê hương khi xảy ra đại dịch? “Vì ở TPHCM, đi vệ sinh cũng tốn tiền” – đó là câu trả lời của một người Đà Nẵng xa quê nói về tình cảnh của đồng hương mình.

Ở lại TPHCM, họ không sợ bị đói, không bị khát nhưng với một thành phố lớn, chi phí tiền trọ, điện, nước trở thành áp lực lớn với những lao động đã nghèo, nay lại còn thất nghiệp.

“Thà về quê có rau có cỏ” – câu nói của mọi người con xa quê gặp cảnh khó khăn khiến ai cũng có thể xót lòng.

Vậy nên, người ta vẫn thấy lấn cấn sau những lý giải của thành phố là bởi, Đà Nẵng từng đón hàng trăm chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài về mà ban đầu còn không thu phí, rồi sau đó dù thu phí cũng chỉ ở mức theo quy định.

Vậy tại sao, những người con dân của quê hương mình nay đang gặp khó, thành phố lại dựng rào cản bằng những cái lý kia?

Có thể, lúc này, việc chống dịch tại TP.Đà Nẵng đang còn căng thẳng. Đã có nhiều ca bệnh chuyển nặng ở khu điều trị, các y bác sĩ tuyến đầu vẫn ngày đêm căng mình, các chốt kiểm soát dịch vẫn bất kể nắng mưa soi rọi từng biển số xe để ngăn dịch thấm ngược vào thành phố.

Thế nhưng, những cái lý đó vẫn không thoả nổi cái tình người Đà Nẵng vốn có! Không thể có trường hợp đặc biệt rồi mới kiến nghị được, người dân cần cái dang tay, sự chào đón đầy vui vẻ, nồng nhiệt và an toàn khi trở về quê hương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn