MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trường hợp trẻ em bị đuối nước tử vong khi chơi ở sông Buông, TP.Biên Hoà, Đồng Nai. Ảnh: Thanh Tâm

Cách phòng tránh và sơ cứu trẻ em khi bị đuối nước trong kỳ nghỉ hè

MINH CHÂU LDO | 14/06/2021 16:01

Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn. Đặc biệt là kỳ nghỉ hè, trẻ em rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho người dân, nhất là trẻ em khi mùa mưa bão sắp đến gần, Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo một số biện pháp phòng tránh đuối nước và sơ cứu khi bị đuối nước.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em đuối nước kỳ nghỉ hè

Hiện nay, tình hình đuối nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, điển hình, ngày 13.4.2021 có 3 trẻ mầm non tử vong do đuối nước tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ.

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế. Trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Trong khi đó, nhiều trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; nhiều địa phương có ao, hồ, sông, suối… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước.

Do đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, Công an các huyện, thành phố tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là tai nạn đuối nước trẻ em.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho người dân, nhất là trẻ em khi mùa hè, mùa mưa bão sắp đến gần, Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo một số biện pháp phòng tránh đuối nước và sơ cứu khi bị đuối nước như sau:

Người dân và trẻ em không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.

Cho trẻ đi bác sĩ khám sức khỏe để phát hiện các bệnh như: hen phế quản; viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm xoang mạn; viêm da dị ứng… không nên xuống nước vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn, dẫn tới những tai nạn không mong muốn khi bơi.

Chỉ bơi ở những nơi có người lớn, những nơi không có nước xoáy tại các khúc sông, suối; trẻ em khi bơi trong hồ bơi phải được giám sát của người lớn và khi bơi tại những khu vực trên cần thường xuyên mang điện thoại để gọi khi cần thiết, phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định về an toàn khi bơi.

Khi đi sông, suối người biết bơi cũng chỉ nên tắm gần bờ.

Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao. Đặc biệt, khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân và lập tức gọi cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ qua số điện thoại 114 hoặc y tế 115. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt…

Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Như vậy, việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Biện pháp sơ cứu khi trẻ em bị đuối nước

Theo cơ quan chức năng, sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần móc ra ngay; đặt nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở.

Đối với trẻ em không để não trẻ thiếu oxy quá 5 phút.

Cần tránh xốc nước, vác trẻ chạy vòng vòng cho ra nước, do cách này không làm cho nước chảy ra ngoài mà nước từ dạ dày đi ra, đôi lúc nước còn chảy ngược vào phổi dẫn đến thiếu oxy, làm giảm cơ hội cứu sống trẻ. Nếu nạn nhân tím tái không thở, tim còn đập, phải thổi ngạt bằng cách hô hấp miệng - miệng, cứ 4 giây thổi 2 lần liên tiếp vào miệng nạn nhân cho đến khi nạn nhân thở lại đều.

Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, ưỡn cổ (sau khi dị vật và lưu dịch thoát ra ngoài), hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy. Sau đó, tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 dưới xương ức (1/2 đối với trẻ em) về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn