MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách tính lương hưu của công chức Nhà nước với lao động tư nhân

Phương Minh LDO | 26/02/2024 12:30

Bạn đọc hỏi: Cách tính lương hưu của cán bộ, công chức, những người làm ở khu vực Nhà nước với người lao động (làm việc ở khu vục tư nhân) hiện nay khác nhau thế nào? Nếu thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024, cách tính lương hưu có thay đổi?

Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Đối với cán bộ, công chức: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (như cán bộ, công chức, viên chức…) có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1.1.1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.1995 đến ngày 31.12.2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2001 đến ngày 31.12.2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2007 đến ngày 31.12.2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1.1.2020 đến ngày 31.12.2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1.1.2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Đối với người lao động (làm việc tại khu vực tư nhân):

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động thuộc đối tượng tư nhân có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Cũng cần lưu ý, người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Công thức tính lương hưu được áp dụng theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 7, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP như sau:

Lương hưu hằng tháng = Tỉ lệ hưởng hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Nếu thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27/NQ-TW từ ngày 1.7.2024, cách tính lương hưu có thể sẽ không thay đổi.

Tuy nhiên, Điều 56 và Điều 71, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện hành là 1,8 triệu đồng, nên mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn