MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cải cách tiền lương vào tháng 7.2024 là thông tin được nhiều công chức trông chờ. Ảnh: Hải Nguyễn.

Cải cách tiền lương, sẽ không còn một số khoản phụ cấp

Minh Hương - Mạnh Cường LDO | 05/10/2023 10:04

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Một trong những nội dung được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất quan tâm đó là Trung ương sẽ xem xét việc cải cách chính sách tiền lương mới từ 1.7.2024.

Chị Nguyễn Thị Thu (nhân vật đề nghị thay tên, 28 tuổi) - cán bộ Đoàn tại thành phố Lào Cai cho biết, chính sách cải cách tiền lương 2024 rất thiết thực với năng lực và các dự định đang ấp ủ.

Chị Thu tự nhận mình là một người trẻ năng động, nhiệt huyết, có nhiều thành tích trong công việc. Bên cạnh công việc chính, chị Thu cũng được giao vai trò là Phó Chính trị viên và Báo cáo viên.

Tổng thu nhập hiện tại của chị gần 9 triệu đồng/tháng, đây là con số mơ ước của nhiều người ngang tuổi trong cơ quan. Tuy nhiên, nếu không kiêm thêm các công việc phụ, thu nhập của nữ cán bộ Đoàn chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Dù vậy, tiết lộ với Lao Động, chị Thu cho biết, so với bạn bè cùng trang lứa làm tại các công ty tư nhân, mức lương này chưa thấm vào đâu. Đến nay, nhiều bạn bè của chị đã được thăng chức lên Trưởng phòng, Phó Giám đốc, thu nhập 20 triệu đồng/tháng.

Dự định sắp tới của chị Thu là cố gắng chuyển sang Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc. Bởi đây là chuyên ngành học của chị đồng thời với năng lực hiện tại, nữ Cán bộ Đoàn tự tin có thể thi đỗ và hoàn thành tốt công việc.

“Khi chuyển sang vị trí mới, thu nhập chắc chắn sẽ cao hơn hiện tại nếu áp dụng chính sách cải cách tiền lương năm 2024. Do vậy, tôi rất trông chờ” - chị Thu chia sẻ.

Làm công chức phường gần 10 năm nay, lương hiện tại của chị Phạm Thị Minh (nhân vật đề nghị thay tên, thành phố Thanh Hoá) là hơn 7 triệu đồng/tháng. Chị Minh cho biết, chị kỳ vọng vào việc cải cách tiền lương thay vì áp mức lương cơ sở như hiện nay. Song chị Minh vẫn băn khoăn vì theo tinh thần của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương sẽ bỏ và gộp một số loại phụ cấp, như vậy, thu nhập của chị sẽ không được cao như trước.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, theo Nghị quyết 27, khi cải cách tiền lương, trong tổng thu nhập của công chức sẽ bao gồm 30% là phụ cấp.

Theo đó, vẫn áp dụng các loại phụ cấp hiện đang hưởng gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động, phục vụ an ninh - quốc phòng và phụ cấp đặc thù dành cho đối tượng là quân đội, công an, cơ yếu.

Không làm mất đi các loại phụ cấp mà chỉ gộp các loại phụ cấp đó vào một loại phụ cấp mới với tên gọi khác như: Phụ cấp theo nghề: Được gộp bởi các loại phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp trách nhiệm theo nghề khi công chức có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường. Đồng thời, công chức làm ở các lĩnh vực này sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi khác phù hợp của Nhà nước.

Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn: Loại phụ cấp này được gộp bởi các loại phụ cấp gồm phụ cấp đặc biệt, trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phụ cấp thu hút.

Việc bãi bỏ các loại phụ cấp không phải xóa hoàn toàn các loại phụ cấp đó mà phụ cấp đó đã được thể hiện trong các khoản phụ cấp đã được gộp hoặc thể hiện ngay trong lương.

Như vậy, cải cách tiền lương chỉ bỏ phụ cấp thâm niên và phụ cấp công tác công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, dù bỏ những khoản phụ cấp này thì vẫn phải đảm bảo quỹ phụ cấp phải chiếm 30% so với tổng quỹ lương của công chức nên lương công chức sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn