MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng mặc quần áo dân thường lao vào đánh người ngay trước mặt lực lượng kiểm lâm Nghệ An. Ảnh cắt từ clip

Cán bộ kiểm lâm phát ngôn thiếu chuẩn mực: Cần chấn chỉnh đạo đức công vụ

QUANG ĐẠI LDO | 27/10/2022 12:01

Dừng xe kiểm tra không phát hiện vi phạm, cán bộ kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã có phát ngôn không chuẩn mực, thiếu căn cứ đối với tài xế.

Dư luận đang xôn xao về trường hợp ông Trần Đức Tuấn - Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An - đã có thái độ gay gắt, phát ngôn không đúng chuẩn mực, mang tính quy chụp thiếu căn cứ khi thi hành công vụ.

Cụ thể, vào ngày 20.10, nhận được tin báo có xe chở lâm sản lậu, tổ công tác do ông Trần Đức Tuấn đã dừng phương tiện kiểm tra nhưng tài xế không hợp tác. Ông Tuấn đã có thái độ gay gắt khi phát ngôn, sử dụng những câu từ mang tính quy chụp, thiếu căn cứ như “buôn lậu chuyên nghiệp”; “không đi học cũng có bằng lái xe”… Tổ công tác cũng đã kiểm tra nhưng không phát hiện lâm sản trái phép trên xe.

Giữa hai bên đã có lời qua tiếng lại. Một người dân đã đánh tài xế, sự việc được ghi lại bằng video và lan truyền trên mạng xã hội.

Qua sự việc nói trên, đại diện Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, sẽ xem xét xử lý kỷ luật cán bộ và chấn chỉnh về thái độ ứng xử trong thi hành công vụ.

Thiết nghĩ, có hai vấn đề cần được xem xét, chấn chỉnh một cách nghiêm túc từ sự việc nêu trên. Về mặt nghiệp vụ, cơ quan chức năng nhận được tin báo nhưng quá trình kiểm tra lại không phát hiện vi phạm. Việc dừng phương tiện để kiểm tra tràn lan sẽ gây phiền hà cho người dân. Do đó, cần xác minh tính chính xác của tin báo, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chặt chẽ, có sự phối hợp giữa các địa phương, lực lượng chức năng để bảo đảm thực thi công vụ chính xác, hiệu quả.

Người báo tin cho cơ quan chức năng về các hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại được khen thưởng. Do đó, cũng cần có chế tài xử lý những người cố ý báo tin không chính xác, nâng cao trách nhiệm của người báo tin cho cơ quan chức năng.

Về phương diện thái độ, đạo đức công vụ cũng cần được chấn chỉnh một cách nghiêm khắc. Lời nói, ứng xử của người thi hành công vụ cần chuẩn mực, đúng quy định, không được có lời lẽ suồng sã hoặc có tính quy chụp, không có căn cứ gây bức xúc cho người dân.

Các nội dung khẳng định về vi phạm của người dân, chủ phương tiện, đối tượng liên quan trong quá trình thi hành công vụ cần được chứng minh một cách đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy trình.

Cán bộ thi hành công vụ không thể lấy lý do người dân không hợp tác, chống đối nên có những phát ngôn không chuẩn mực. Bởi vì, pháp luật đã có chế tài cụ thể đối với việc người dân không hợp tác hoặc chống đối, người thi hành công vụ có quyền áp dụng để xử lý mà không cần phải có những lời lẽ bức xúc.

Trường hợp quy định pháp luật chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ để người dân và đối tượng liên quan có thể lợi dụng thì cần kiến nghị bổ sung, hoàn thiện, để bảo đảm pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh.

Thiết nghĩ, mỗi cán bộ nhà nước cần lấy sự tôn trọng và ý thức phục vụ người dân làm nền tảng và kim chỉ nam trong quá trình thực thi công vụ. Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định, chế tài pháp lý để bảo đảm quá trình thực thi công vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn