MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cán bộ nghỉ việc hàng loạt: Nên phân bổ cán bộ theo mật độ dân số

PHƯƠNG NGÂN LDO | 01/07/2022 07:09

TPHCM - Thời gian qua, tại các phường/xã ở TPHCM có nhiều cán bộ nghỉ việc vì áp lực công việc lớn. Trước áp lực của cán bộ, công chức, nhiều phường đề xuất nên lấy mật độ dân số làm tiêu chí hàng đầu để phân bổ cán bộ cho các phường.

Cán bộ dễ xảy ra sai sót vì áp lực công việc lớn

Theo quy định hiện nay, mỗi phường/xã loại 1 tại TPHCM bị khống chế mức giao biên chế tối đa 37 cán bộ (bao gồm công chức và không chuyên trách). Nếu theo quy định này, một phường hơn 100.000 dân và một phường 30.000 dân số biên chế cán bộ như nhau. Trong khi đó, với số biên chế cán bộ này, ở phường 30.000 dân mỗi cán bộ phải phục vụ hơn 800 người dân thì tại phường hơn 100.000 dân, một cán bộ phải phục vụ gần 3.000 dân.

Chia sẻ tâm tư về công việc của cán bộ phường, anh Châu (đã đổi tên) - một cán bộ phường tại TP.Thủ Đức, TPHCM - chia sẻ, khối lượng công việc tại cơ sở quá lớn, đặc biệt là sau đợt dịch COVID-19 đã bào mòn sức khỏe của cán bộ, công chức phường. Một cán bộ phải phụ trách trên dưới 10 đầu việc.

Ví dụ: Cán bộ địa chính - xây dựng phải phụ trách công tác đất đai, địa chính - mốc giới hành chính, công tác số nhà, xác nhận vị trí, trật tự xây dựng, xác minh nguồn gốc bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quy hoạch, công tác hòa giải tranh chấp đất đai... Bên cạnh đó, ngoài những công việc chính, cán bộ còn tham gia công tác phối hợp với cơ quan khác… Vì đầu việc nhiều nên số lượng báo cáo cũng tương ứng, do đó, áp lực lên cán bộ, công chức không có thời gian đi kiểm tra, sâu sát địa bàn dễ xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao.

 Nhiều phường mỗi cán bộ phải phục vụ hàng ngàn dân. Ảnh: Phương Ngân

Cần xem xét chính sách đối với cán bộ không chuyên trách

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Chủ tịch UBND phường An Khánh, TP.Thủ Đức - cho hay, phường An Khánh thành lập dựa trên sự sáp nhập của 2 phường Bình Khánh và Bình An. Sau khi sáp nhập, phường An Khánh có diện tích 3,92km2, quy mô dân số hiện nay là 27.856 người. Ngoài áp lực công việc sau khi sáp nhập, lương thấp là lý do khiến cán bộ nghỉ việc. Hiện phường còn tổng cộng 35 cán bộ, vừa đúng chỉ tiêu được giao nhưng với số lượng công việc hiện tại cần bổ sung thêm người.

“Ví dụ, trong ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý hồ sơ, phường đang thiếu cán bộ giỏi công nghệ thông tin để hỗ trợ các cán bộ giải quyết hồ sơ hành chính nhanh cho dân. Ngoài ra, trên địa bàn phường có khoảng 42 dự án phức tạp, nhiều vấn đề cần phải giải quyết nên cần thêm một cán bộ để quản lý đất đai, đô thị trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần xem xét đến mức lương của cán bộ không chuyên trách. Hiện đối với cán bộ không chuyên trách, mức lương sau khi cộng trừ các khoản, thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng và không được tăng lương theo niên hạn. Với mức lương đó, rất khó sống” - ông Quỳnh chia sẻ.

Theo ông Trần Quốc Hưng - Chủ tịch UBND phường Linh Trung (phường có gần 70.000 dân), đặc thù TP.Thủ Đức, TPHCM là TP đô thị nên phải khác hơn so với những địa phương khác, khi bổ sung nhân sự để phục vụ công việc cần tính theo mật độ dân số.

“Nên lấy tiêu chí dân số để phục vụ vì mình lấy dân làm gốc, phục vụ dân là chính. Nếu chúng ta cào bằng thì rất khó, phường 15.000 dân với một phường 100.000 dân mà nhân sự gần ngang nhau là rất khó cho những phường đông dân”- ông Hưng nói.

Ông Hưng chia sẻ, bộ phận văn phòng của phường đang quá tải vì có bộ phận tiếp nhận hồ sơ (một cửa) nhưng thực chất không bố trí cán bộ cho bộ phận này mà các cán bộ ở bộ phận khác phải đảm trách. Nếu làm được cải cách hành chính, tất cả các ngành ở cơ quan khác đều không yêu cầu hồ sơ photo sao y sẽ giảm tải bớt công việc cho bộ phận sao y chứng thực của các phường. Thành phố nên làm mạnh vấn đề này, tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai không nhất thiết phải photo sao y mà cơ quan tiếp nhận chỉ cần so sánh bản chính là được. Tương tự, hồ sơ xin việc không cần phải xác nhận chữ ký vì bây giờ đã có dữ liệu dân cư quốc gia.

“Cán bộ thể hiện trách nhiệm của mình trong tiếp nhận hồ sơ và phải so sánh bản chính thì người dân đỡ mất thời gian để đi đến các phường sao y và đỡ tốn tiền” - ông Hưng nói.

Ông Hưng đề xuất, cần sớm phân cấp, phân quyền, việc nào cần giải quyết nhanh cho dân thì phải mạnh dạn phân cấp cho TPHCM, TPHCM sẽ phân cho TP.Thủ Đức sau đó TP.Thủ Đức phân cho phường/xã một số thẩm quyền để giải quyết hồ sơ cho dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn