MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Nguyễn Văn Dũng (trái) và Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định Nguyễn Công Thành vi phạm quy định phòng chống dịch khi đi chơi golf tại sân FLC Quy Nhơn. Ảnh: TCV

Cán bộ vi phạm quy định phòng dịch: Không thể “tạm đình chỉ” là xong

Bằng Linh LDO | 06/08/2021 13:13
Giám đốc Sở Du lịch và Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định đã bị tạm đình chỉ công tác có thời hạn sau khi vụ việc 4 người tụ tập chơi golf tại sân FLC Nhơn Lý bị phát lộ. Nhưng câu hỏi là sau khi các vị này bị “tạm đình chỉ” thì sao?

Cụ thể, sáng 5.8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã ký Quyết định số 3270/QĐ-UBND về việc tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Nguyễn Văn Dũng và giao nhiệm vụ quản lý, điều hành Sở Du lịch tỉnh Bình Định trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 5.8, cho ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định cũng vì vi phạm trên.

Phản ứng nhanh của Bình Đình cho thấy tỉnh cũng đã có những quyết định ban đầu khá nghiêm khắc với những cán bộ vi phạm quy định về phòng chống dịch.

Ở nhiều địa phương khác, khi cán bộ lơ là, vi phạm quy định phòng chống dịnh là cũng bị “tạm đình chỉ”. Ví dụ như hồi tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh phúc đã quyết định tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong thiếu chủ động, chậm trễ tham mưu thực hiện các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác phòng dịch.

Ngay trong tháng 7.2021, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Cầu Kè, do thiếu ý thức trách nhiệm, không chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch.

Hay gần nhất, đầu tháng 8.2021, Lâm Đồng đã ra quyết định tạm đình chỉ ba cán bộ gồm: Ông Phan Sĩ Long, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc; ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn và ông Nguyễn Nhị Đoài, Bí thư Đảng ủy phường Lộc Sơn thời hạn 15 ngày. Lý do là các cán bộ này đã đã cho người dân đi từ vùng dịch về cách ly tại nhà, làm trái quy định của tỉnh và làm lây lan dịch bệnh COVID-19.

Với những cán bộ, lãnh đạo vi phạm quy định phòng dịch, người dân còn băn khoăn với ba chữ “tạm đình chỉ” này.

Bởi lẽ, theo các quy định hiện hành như Luật cán bộ, công chức hay các Nghị định liên quan thì “tạm đình chỉ công tác” không phải là hình thức kỷ luật.

Cụ thể, theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP có hiệu lực 20.9.2020 thì các hình thức kỷ luật thì chỉ có các mức: Đối với cán bộ, công chức áp dụng khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý áp dụng các mức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý áp dụng khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Như vậy “tạm đình chỉ công tác” không phải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật công chức. Đây chỉ có thể coi là biện pháp tạm thời giúp quá trình xử lý kỷ luật công chức diễn ra thuận lợi hơn, tránh việc công chức đó gây khó khăn cho quá trình này.

Vì thế, không thể coi chuyện ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc Sở Du lịch, và Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, bị tạm đình chỉ công tác nghĩa là đã bị kỷ luật.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định, Tổng cục Thuế cần công khai mức kỷ luật cụ thể đối với các ông này trong thời gian sớm nhất hoặc ngay sau thời gian đình chỉ.

Chứ không phải “tạm đình chỉ công tác” để yên lòng dư luận, cho mọi việc lắng xuống, sau đó thì "ai ở đâu, vẫn ngồi ghế đó".

Nếu vậy thì dân không phục, không tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn