MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Cần bù đắp lương hưu cho những người về hưu trước năm 1995”

Bảo Hân - Quỳnh Chi LDO | 30/03/2021 10:31

“Từ 1.7.2021 nên điều chỉnh mức lương hưu cho người về hưu trước năm 1995 để tạo ra mặt bằng tương đối so với những người về hưu sau này”- bạn đọc Hoàng Quang Duy góp ý trong bình luận gửi đến Báo Lao Động.

Những ngày qua, thông tin về đề xuất 2 phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội thu hút rất đông đảo bạn đọc Báo Lao Động đóng góp ý kiến, tranh luận. Một trong những vấn đề bạn đọc nêu lên là sự thiệt thòi của những người nghỉ hưu trước năm 1995 khi họ về hưu với mức lương hưu rất thấp; đồng thời đề xuất hướng giải quyết để những người này có mức lương hưu đủ sống.

Bạn đọc Nguyen Van Hinh chia sẻ: Nước ta trải qua nhiều giai đoạn cải cách tiền lương, từ một đất nước quá nghèo đi lên nên cơ chế tiền lương cũng được điều chỉnh từ thấp đến cao.

Đặc biệt, là giai đoạn từ năm 1993 trở về trước. Nhóm người lao động những năm này khi về hưu vẫn hưởng tỉ lệ % theo quy định. Mấy chục năm, qua nhiều lần điều chỉnh nhưng chưa vượt quá 3 triệu đồng/tháng. Từ năm 1993 về sau, đất nước có điều kiện cải cách và thay đổi thang bảng lương. Cũng từ đây người lao động bắt buộc nộp bảo hiểm xã hội. Do đó, khi về hưu hưởng theo mức đóng và lớp người này khi tăng tỉ lệ tiền lương thì nâng theo một tỉ lệ là đúng.

“Còn những người về hưu trước năm 1993, đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét để họ được điều chỉnh hợp lý, bù đắp phần nào quá trình họ phải hưởng một mức lương cơ bản ban đầu quá thấp”- bạn đọc này đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Hoàng Quang Duy cho rằng: Từ 1.7.2021 nên điều chỉnh mức lương hưu cho người về hưu trước năm 1995 để tạo ra mặt bằng tương đối so với những người về hưu sau này. Tuy nhiên bạn đọc này đề xuất cách điều chỉnh nên ở một mức nhất định 200-300 nghìn đồng/người, không điều chỉnh theo tỉ lệ vì như vậy luôn tạo ra sự chênh lệch.

“Làm như vậy sẽ đảm bảo được nguyên tắc đóng hưởng và chia sẻ. Khi đã tạo ra mặt bằng tương đối so với những người nghỉ hưu sau, đến 1.1.2022 tăng theo tỉ lệ chung dựa trên cơ sở quỹ bảo hiểm xã hội, trượt giá và thành quả phát triển của nền kinh tế”- bạn đọc Hoàng Quang Duy bình luận.

Bạn đọc Phan Ngọc Danh phân tích: Hưởng lương hưu có hai nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất, những người nghỉ hưu từ 1.1.1995 trở về trước do ngân sách nhà nước chi trả. Nhóm này lương rất thấp, vậy nên nhà nước cần trích ngân sách nâng cho họ có đủ mức sống.

Cụ thể những người nào có lương hưu dưới 4 triệu thì nâng lên đủ 4 triệu.

Nhóm thứ hai, tiền lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả cao hay thấp tùy vào thời gian tham gia và số tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng khi đang còn làm việc.

“Theo tôi, đối với đối tượng về hưu trước năm 1995 sau khi đã nâng lên 4 triệu thì vẫn được nâng trợ cấp bằng nhau theo % vào ngày 1.7. 2021 hoặc 1.1.2022”- bạn đọc Phan Ngọc Danh nêu lên ý kiến cá nhân.

Bạn đọc Mot Ho bày tỏ đồng tình với một số người có ý kiến cho rằng, đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn thì hưởng cao hơn và ngược lại.

Nhưng bạn đọc này lưu ý, những người về hưu từ 1995 về trước lương rất thấp. “Vì lớp người này hầu hết tham gia kháng chiến 1975, 1976 về trước. Họ nghỉ hưu theo chế độ chính sách vận động của cơ quan Nhà nước.

Khi nghỉ lương vốn đã thấp, đời sống khó khăn ngay từ ngày đầu nghỉ hưu. Cho nên cần có tính toán hợp lý nhất có thể cho đối tượng này”- bạn đọc này phân tích, đồng thời đề nghị: Có thể ngoài mức tăng như dự tính, hàng tháng có khoảng phụ cấp cộng thêm 300.000-500.000 đồng/người…

Kính mời bạn đọc Báo Lao Động tham gia bình luận về nội dung 2 phương án điều chỉnh lương hưu và trợ cấp xã hội. Những bình luận của bạn đọc sẽ được Báo Lao Động lựa chọn, đăng tải.

1029

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn