MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án có vị trí tại phường Thượng Thanh, Đức Giang (quận Long Biên) và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cận cảnh cây cầu hơn 1.800 tỉ đồng sau 1 năm khởi công tại Hà Nội

Vĩnh Hoàng LDO | 03/07/2024 15:02

Hà Nội - Nhiều công nhân, máy móc tất bật thi công hai cầu đường bộ và đường sắt qua sông Đuống, tổng vốn hơn 1.800 tỉ đồng.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) được khởi công 7.2023, do Ban Quản lý dự án Đường sắt làm chủ đầu tư, với tổng vốn 1.848,62 tỉ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 650,82 tỉ đồng).

Dự án có vị trí tại phường Thượng Thanh, Đức Giang (quận Long Biên) và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).

Dự án được khởi công tháng 7.2023, với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo thiết kế, dự án sẽ gồm các hạng mục: cầu đường sắt và đường dẫn dài 1km theo lý trình đường sắt hiện hữu, cách cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5m, trùng vị trí đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1.

Cầu đường sắt sẽ có 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế 80km/h. Khổ giới hạn thông thuyền được phân kỳ đầu tư với tĩnh không thông thuyền 7m, giai đoạn hoàn thiện 9,5m.

Cầu đường sắt và đường dẫn sẽ được xây dựng dài 1km. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, huyện Gia Lâm, cách cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu.

Cầu đường bộ sẽ dài 382m, kết hợp dây văng, rộng 18,5m, tĩnh không dưới cầu 4,75m. Đường dẫn dài 318m, vận tốc thiết kế 80km/h, 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, giai đoạn phân kỳ trước mắt quy mô 4 làn xe cơ giới.

Một số hộ sân nằm trên diện tích giải phóng mặt bằng dự án. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 2.7, trên công trường xây dựng hai cầu đường sắt và cầu đường bộ qua sông Đuống (thuộc dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống) các loại máy móc, sà lan, vật liệu xây dựng... đã tập kết phục vụ công tác thi công.

Anh Ngô Hoàng Dương (42 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902, đến nay không tránh khỏi việc xuống cấp, gây khó khăn trong việc di chuyển của người dân.

"Cầu Đuống có tuổi đời hơn 100 năm, vậy nên việc xây dựng cây cầu mới nối huyện Gia Lâm và quận Long Biên là rất cần thiết", anh Dương nói.

Hai cầu đường bộ và đường sắt qua sông Đuống dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, thay thế cho cầu Đuống cũ khai thác chung đường sắt và đường bộ. Ảnh: Đơn vị thiết kế

Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2025.

Sau khi hoàn thiện, cầu đường sắt Đuống được kỳ vọng sẽ tăng năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy và giúp đường sắt thông suốt.

Đồng thời, việc tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt cũng cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến huyết mạch phía Bắc Hà Nội...

Nhiều loại máy móc phục vụ công trường được tập kết tại đây. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn