MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Cần chăm chút hồ sơ xin việc để tạo thiện cảm đối với nhà tuyển dụng

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 15/05/2023 15:18

Việc kê khai, chuẩn bị hồ sơ xin việc một cách đầy đủ, bài bản thể hiện sự chỉn chu, cẩn thận cũng như khả năng tư duy, trình độ hiểu biết của người lao động trong mắt nhà tuyển dụng. 

Là Phó trưởng phòng Tổ chức – Hành chính phụ trách đào tạo, tuyển dụng, chính sách bảo hiểm xã hội (Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình 3), có tháng tôi nhận được hàng chục bộ hồ sơ xin việc của người lao động. Đây là những tân cử nhân, kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp từ các trường đại học hoặc người lao động mới có chút ít kinh nghiệm. 

Điều làm cho tôi băn khoăn, đó là nhiều bộ hồ sơ xin việc đều thiếu sự chỉn chu và chăm chút một cách kỹ lưỡng cũng như không được kê khai đầy đủ, bài bản. 

Nhiều sơ yếu lý lịch cá nhân và đơn xin việc được viết theo những mẫu có sẵn và được bày bán trong nhà sách hoặc được người đi xin việc tải từ trên Internet về và điền thông tin, không bổ sung gì nữa. Thậm chí có vài bộ hồ sơ xin việc mà ứng cử viên, người lao động xin việc còn bỏ trống phần ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp của thân nhân, cha mẹ và người thân vì không nhớ rõ hoặc hoàn toàn bỏ trống ngoài bìa bộ hồ sơ có phần liệt kê hồ sơ gồm những loại giấy tờ nào.

Có thể nói, đối với rất nhiều nhà tuyển dụng trong các cơ quan, doanh nghiệp, kê khai hồ sơ xin việc là một bước khởi đầu vô cùng quan trọng của quá trình đi phỏng vấn, xin việc làm của các ứng cử viên. Việc kê khai, chuẩn bị hồ sơ một cách đầy đủ, bài bản còn thể hiện sự chỉn chu, cẩn thận cũng như khả năng tư duy, trình độ hiểu biết của ứng cử viên, của người lao động trong mắt nhà tuyển dụng khi nộp hồ sơ xin việc. 

Ngoài chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ thì nội dung được trình bày trong lá đơn xin việc và trong sơ yếu lý lịch cá nhân cũng là điểm nhấn và luôn thu hút sự chú ý của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Do đó, ngoài phần viết, kê khai theo mẫu chung, ứng cử viên, người xin việc nên đánh máy hoặc viết thêm trong đơn xin việc, sơ yếu lí lịch cá nhân về thời gian công tác tại các cơ quan, công ty, doanh nghiệp khác, kinh nghiệm thực tế, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, sở trường, sự đam mê, sở thích, thế mạnh. 

Ngoài ra, theo tôi, ứng viên cũng nên nêu điểm yếu của mình bởi đây là điều thể hiện cá tính, sự chân thật của người kê khai trong đơn xin việc, trong sơ yếu lý lịch cá nhân, là điều mà doanh nghiệp cũng như nhà tuyển dụng mong muốn được nhìn thấy để đánh giá tính chân thật của một bộ hồ sơ xin việc của người lao động… 

Một khi bộ hồ sơ xin việc được chăm chút một cách kỹ lưỡng, chỉn chu, thì dù chỉ là một ứng viên mới tốt nghiệp ra trường, người chưa có kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ, bạn vẫn có thể đánh bại được các ứng cử viên nặng ký hơn, có kinh nghiệm và sáng giá nhiều hơn hoặc những người có nhiều bằng cấp mà hồ sơ xin việc sơ sài, thiếu sự chỉn chu, chăm chút. Điều quan trọng là bước đầu bạn đã tạo được sự thiện cảm và ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn